Sau 7 năm tổ chức, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm du lịch “nhất định phải đến” của du khách khi tới Thủ đô. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn khẳng định, phát huy kết quả đạt được, quận sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu với thành phố các biện pháp để không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.
- Sau 7 năm tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào hai ngày cuối tuần, “phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm” đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn khi ghé thăm Thủ đô Hà Nội. Đồng chí có thể chia sẻ về những kết quả mà quận đã đạt được?
- Năm 2016, được sự đồng ý của thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với mục tiêu xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội… Đến nay, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành một thương hiệu, một “điểm nhấn” của Thủ đô, tạo không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước.
Ước tính, lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan không gian đi bộ ban ngày khoảng 3.000 đến 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 đến 2 vạn người. Tình hình an ninh trật tự luôn được bảo đảm.
Việc xây dựng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã góp phần hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới, hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô; đồng thời phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm - Di tích quốc gia đặc biệt.
- Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có những lợi thế “không thể so sánh” của quận Hoàn Kiếm. Đây là điều kiện thuận lợi nhưng cũng là thách thức lớn với UBND quận trong việc phát huy hiệu quả giá trị của các di tích. Xin đồng chí cho biết những định hướng của quận trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích để tăng sức hút của khu vực này với người dân và du khách?
- Thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản trong khu phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã đạt được những kết quả tích cực. Các giá trị di sản vật thể luôn được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Cụ thể, UBND quận đã giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo 22 di tích; bảo tồn 24 nhà ở có giá trị. Các giá trị di sản phi vật thể trong khu vực cũng được phục hồi và phát huy với việc khôi phục 14 lễ hội. Quận cũng đã cải tạo, lát vỉa hè 79/79 tuyến phố bằng đá tự nhiên kết hợp với hạ ngầm các đường thoát nước; thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi trên 79 tuyến phố...
Sau khi được tu bổ, tôn tạo, nhiều di tích và không gian đô thị trong khu phố cổ Hà Nội đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật để giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tiêu biểu như: Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây, đình Kim Ngân - 42 Hàng Bạc, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ, đền Quan Đế - 28 Hàng Buồm, đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, đình Nam Hương - 75 Hàng Trống, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật - 22 Hàng Buồm.
Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm cũng thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc tại các điểm di tích, như: Giới thiệu nếp sống của người Hà Nội xưa, tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống tại các điểm di tích, trưng bày giới thiệu các làng nghề truyền thống gắn với phố nghề trong khu phố cổ, khôi phục các lễ hội truyền thống, tôn vinh và giới thiệu dòng tranh Hàng Trống với công chúng… Các chương trình này đều thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng, góp phần bảo tồn di sản văn hóa khu phố cổ một cách bền vững và lâu dài.
- Phải làm gì để phát huy tiềm năng, lợi thế của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, vừa gìn giữ những nét đẹp văn hóa riêng có của khu phố cổ, phố cũ; vừa có sự tươi mới, hiện đại, độc đáo để thu hút khách du lịch... Đó là những điều mà những người yêu Hà Nội trăn trở, thưa đồng chí?
- Cùng với những kết quả đã đạt được trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế được cử tri và các cơ quan báo chí nêu. Đó là tình trạng bố trí gian hàng không phù hợp, che chắn không gian đi bộ với những sản phẩm bày bán không phù hợp. Việc tổ chức giải chạy ban đêm tại không gian này cũng đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng tới mục tiêu xây dựng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thực sự là điểm đến hấp dẫn của Thủ đô, quận đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, đề xuất với UBND thành phố về việc tổ chức các hoạt động tại không gian này.
Cụ thể, chỉ tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật có tính chất đặc sắc, không mang tính thương mại và nếu có chỉ mang tính quảng bá, giới thiệu. Việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật trong không gian đi bộ cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh xung đột về âm thanh. Các giải chạy sẽ không tổ chức vào ban đêm, chỉ tổ chức xa khu dân cư nhằm hạn chế những ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.
Quận Hoàn Kiếm cũng đã xây dựng và triển khai Đề án về phát triển kinh tế ban đêm nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có của quận; đặc biệt là các không gian đi bộ khu phố cổ, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, chợ đêm Đồng Xuân, các tuyến phố ẩm thực: Tống Duy Tân, Hàng Buồm, Tạ Hiện… từng bước xây dựng Hoàn Kiếm trở thành điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống về đêm của du khách.
Quận cũng đã thiết lập và công khai hệ thống đường dây nóng của UBND quận, Công an quận, Công an phường và UBND 18 phường để hỗ trợ người dân và du khách tham gia hoạt động về đêm trên địa bàn; lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tại các địa điểm, tuyến phố trọng điểm để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách, tiến tới sẽ lắp đặt trên toàn địa bàn quận.
- Ngày 31-10 vừa qua, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu phố cổ Hà Nội đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Khu du lịch cấp thành phố; đồng thời giao UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức quản lý, khai thác, phát triển khu du lịch, bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả. Đồng chí có thể chia sẻ những định hướng mà quận Hoàn Kiếm sẽ thực hiện?
- Theo Quyết định số 5526/QĐ-UBND, ngày 31-10-2023, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận Khu du lịch cấp thành phố đối với Khu du lịch hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội.
Ngay sau khi có quyết định của UBND thành phố, quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội là đơn vị trực tiếp quản lý, phối hợp với các phòng, ban liên quan tham mưu các giải pháp để phát triển khu du lịch bền vững.
Quận đã triển khai các tour tham quan các điểm di tích hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội: Tour hành trình di sản và các tour tham quan khu phố cổ bằng xe ô tô điện; phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình “Đêm Hà Nội - Điểm chạm những xúc cảm”…
Quận cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các sở, ngành tập trung nâng cao chất lượng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội, qua đó xây dựng không gian thành địa điểm du lịch, giải trí, khám phá văn hóa, kiến trúc, ẩm thực đặc sắc cho người dân và du khách.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.