(HNM) - Hơn năm vạn người chết đuối, trong đó phần lớn là trẻ em, chỉ trong ba năm qua - con số các phương tiện truyền thông đưa tin mới đây - khiến các bậc cha mẹ và xã hội lo lắng.
Con số lạnh lùng này cho thấy số trẻ em ở nước ta bị chết đuối cao gấp cả chục lần những quốc gia đang phát triển có hoàn cảnh địa lý tương tự chúng ta. Cùng với số lượng người tử vong do giao thông, đây là một thực tế làm đau lòng không riêng một ai khi đề cập đến nó như một vấn đề xã hội.
Nước ta có bờ biển dài ba nghìn cây số, nội địa có hàng trăm nghìn cây số sông, rạch, mương, máng và hàng vạn ao, hồ. Việc hằng năm có lắm thiên tai, chủ yếu là lũ lụt khiến người dân nước Việt phải chống chọi một cách cực nhọc. Ấy vậy mà trước đây, khi mật độ dân số của chúng ta còn chưa dày như bây giờ, số người tử vong do chết đuối gần như không đáng kể. Số trẻ em nông thôn biết bơi do tự học phổ biến. Còn trẻ em thành thị có số lượng biết bơi do sẵn các hồ bơi cũng nhiều không kém. Đó hẳn là nguyên nhân giải thích hiện tượng trẻ em ít bị "đuối nước" như hiện nay. Vậy là đã rõ, về khách quan, các hồ, ao ở nông thôn hiện nay đã bị san lấp quá nhiều, nơi nào nếu còn cũng bị ô nhiễm đến mức trẻ em không sẵn sàng "vầy nước" - điều kiện quan trọng giúp nâng cao khả năng bơi lội của trẻ - khiến số lượng trẻ em biết bơi giảm hẳn. Trong khi đó, tại các thành phố và đô thị, việc đô thị hóa mạnh mẽ mà ít được quy hoạch đến nơi đến chốn, các bể bơi, hồ bơi quá thiếu khiến trẻ em không có nhiều điều kiện để tập bơi. Trẻ không biết bơi, khi bị ngập nước, tất dễ bị đuối.
Song, xét trên bình diện xã hội, trách nhiệm với con cái thuộc về các bậc cha mẹ và ý thức bảo vệ trẻ em của toàn xã hội. Ở đây, chúng ta lại phải bàn đến mấy việc. Thứ nhất, những người đứng đầu các cơ quan hành chính địa phương, với trách nhiệm trước tương lai cộng đồng, phải có nghĩa vụ xây dựng các cơ sở kỹ thuật giúp trẻ tập bơi. Tiếc thay, điều này trên thực tế không mấy nơi có cái nhìn như mong đợi. Thứ hai, ngành giáo dục sau nhiều lần đổi mới, vẫn chưa thấy có người có trách nhiệm nào nghĩ đến việc đưa dạy bơi bắt buộc vào chương trình, mặc dù có môn thể dục nhưng mới chỉ dừng ở chỗ dạy rèn luyện thể chất chứ chưa biết dạy trẻ kỹ năng bơi lội tối thiểu để tự bảo vệ mình trước môi trường nước đầy hiểm nguy. Dạy trẻ cách ứng xử trước các vấn đề xã hội cũng như trước những thử thách của môi trường ngày càng khắc nghiệt, trong đó có nguy cơ đuối nước cũng là một nội dung cần thiết đưa vào chương trình cấp học phổ thông của ngành giáo dục vốn đang nỗ lực đổi mới và cải cách mạnh mẽ hiện nay, góp phần tạo nên kỹ năng sống của trẻ em hiện đại.
Trẻ em Việt Nam giờ đây đang được quan tâm toàn diện, không chỉ về mặt pháp lý và tình cảm. Trẻ được bảo vệ mọi nơi mọi lúc để các em phát triển bình thường. Song, trên thực tế, người ta vẫn phải chứng kiến những cảnh đau lòng khi nơi này chỗ nọ vẫn có em bị ngược đãi, vẫn có những chuyến đò chìm khiến cả hàng chục em bị chết đuối bởi nhiều nguyên nhân. Rõ ràng, cùng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là những phát sinh về mặt xã hội khiến chúng ta phải điều chỉnh các hành vi của mình. Khi Đảng và Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để bảo vệ và chăm sóc trẻ em để cả xã hội chung sức thì thiết nghĩ, ngành giáo dục, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội ngoài việc chăm lo cho các em phải quan tâm đến nội dung dạy các em biện pháp biết tự bảo vệ mình. Nói như vậy không có nghĩa là "đổ" mọi thứ lên vai ngành giáo dục, mà trong tam giác gia đình - nhà trường - xã hội, vai trò dạy dỗ các em giờ đây nổi lên như khâu có ý nghĩa nhất trong quá trình hoàn thiện của trẻ trước tuổi thành niên, kể cả cách tự bảo vệ mình trước những nguy cơ tương tự như đuối nước vậy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.