(HNMCT) - Phát triển bùng nổ với doanh thu cao hơn doanh thu phòng chiếu, phát hành phim trên mạng đang là một xu thế nổi bật của ngành điện ảnh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Nhưng đây cũng là lĩnh vực mà chúng ta đang “để trống” về mặt pháp lý, cần phải sớm bổ sung.
Khoảng trống pháp lý
Nghệ sĩ Ưu tú Lê Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC - Đài Truyền hình Việt Nam) đánh giá: “Hiện có tới 70% lưu lượng truy cập internet mỗi ngày chỉ để xem video. Nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí như Netflix, YouTube... đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập internet trong các hộ gia đình. Nhiều người tìm đến các dịch vụ giải trí trực tuyến. Theo một số thống kê, năm 2019 - 2020, nền tảng chiếu phim trực tuyến bùng nổ và lần đầu tiên đạt doanh thu lớn hơn doanh thu phòng chiếu”. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ quy định nên đã đem lại rủi ro cho người sử dụng tại Việt Nam. Do các nội dung không được biên tập, kiểm duyệt nên đã xuất hiện nội dung vi phạm nghiêm trọng các điều cấm tại Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, xuyên tạc lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, làm sai lệch ý hiểu về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là các nội dung gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em...
Tuy phát triển bùng nổ nhưng thật bất ngờ khi hiện vẫn chưa có quy định pháp luật điều chỉnh hành vi phát hành phim trên mạng tại Việt Nam. Tại hội thảo “Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)” diễn ra ngày 9-12, vấn đề quản lý phim phát hành trên mạng đã làm nóng diễn đàn. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh thừa nhận: “Vấn đề khai thác, phổ biến phim trên không gian mạng và các thiết bị nghe nhìn, thiết bị di động là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009”. Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng khẳng định: “Quy định về phổ biến phim trên không gian mạng đúng là khoảng trống. Luật Điện ảnh và các luật liên quan dẫn chiếu đều không tìm ra quy định”.
Chính vì vậy, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã bổ sung Điều 19 về phổ biến phim trên không gian mạng. Quy định này được các chuyên gia đồng tình. Bà Phương Lan, chuyên viên Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, bày tỏ: “Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi khoa học công nghệ và công nghiệp văn hóa ở nhiều nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng cao, các quy định về phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh cần được điều chỉnh phù hợp”.
“Lấp” thế nào?
Cần có ngay điều luật để quản lý việc phát hành phim trên mạng, đó là đòi hỏi từ thực tế. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp hiệu quả để lấp khoảng trống này không phải là điều dễ dàng. Điều 19 Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang đưa ra hai phương án nhưng đều hướng tới quy định phim được phổ biến trên mạng phải có giấy phép phổ biến phim.
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cả hai phương án này đều có thể không khả thi. Một mặt, số lượng phim phát hành trên mạng quá lớn nên khó có hội đồng nào có thể duyệt hết. Nhưng nếu không duyệt các phim phổ biến trên môi trường mạng thì đó là cách ứng xử không công bằng với phía phổ biến phim trong các môi trường khác. Chung cảm nhận này, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi e rằng những quy định của ta không theo kịp sự bùng nổ của phim và những thứ khác trên không gian mạng. Ta khó có thể kiểm soát được. Có thể quy định chặt hơn về việc xử phạt nghiêm minh và cần tính tới trường hợp có những thứ mà ta không thể cấp phép, không quản lý được”. Chính vì vậy, việc hậu kiểm đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, tiên tiến hơn về kỹ thuật để có thể sớm phát hiện, loại bỏ những nội dung kém chất lượng, vi phạm các điều cấm của Luật Điện ảnh..., cũng như có các biện pháp xử phạt đủ sức răn đe.
Việc xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có các điều khoản về phổ biến phim trên không gian mạng là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục đón nhận những ý kiến góp ý hữu ích, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của điện ảnh thời công nghệ số để hoàn thiện Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.