Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Hương Ly - Ảnh: Bá Hoạt| 28/02/2019 08:45

(HNMO) - Sáng 28-2, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã làm việc với Ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Cùng tham gia buổi làm việc có các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo một số sở, ngành thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc


Rõ vai trò cơ quan nghiên cứu, tham mưu

Báo cáo tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Viện là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc UBND TP Hà Nội, được thành lập năm 1998. Thời gian qua, Viện đã phát huy năng lực, làm tốt nhiệm vụ trong công tác chuyên môn; tập trung nghiên cứu, tư vấn và đề xuất nhiều đề án, ý kiến, quy hoạch, kế hoạch... về phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng chú trọng công tác kiện toàn tổ chức, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một cơ quan nghiên cứu, tham mưu, kết hợp với các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với đối tác trong, ngoài nước.

Đến nay, Viện đã chủ trì và phối hợp nghiên cứu hơn 100 đề tài xã hội và đề án tập trung vào các vấn đề quan trọng, xuất phát từ yêu cầu phát triển bền vững của thành phố. Trong đó, tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị... góp phần đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô, xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy kinh tế Thủ đô hội nhập với khu vực và thế giới.

Năm 2018, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã tiếp tục kiện toàn bộ máy, ổn định tổ chức cán bộ, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ và đề xuất lãnh đạo thành phố trong việc nhận diện và xử lý các vấn đề mới trong quá trình phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh việc hoàn thành báo cáo chuyên đề “Thực trạng và đề xuất chính sách nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - xã hội của chính quyền đô thị TP Hà Nội”, Viện đã tích cực tham gia biên soạn xây dựng “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội”.

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng đã hoàn thành nghiên cứu, được UBND thành phố phê duyệt đối với 3 đề án về: “Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính TP Hà Nội hướng tới nền hành chính phục vụ, dân chủ, văn minh, hiện đại”; “Quản lý và giảm thiểu rủi ro có thể trở thành thảm họa của TP Hà Nội”; “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến 2030”.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng đang tập trung nghiên cứu, hoàn thành Đề án “Nghiên cứu, rà soát tổng thể, xác định những nội dung quy định trong Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Trung ương khi triển khai vào thực tiễn chưa phù hợp để đề nghị Trung ương cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô”, báo cáo UBND thành phố theo đúng tiến độ…

Nhờ những nỗ lực không ngừng, nhất là trong năm 2018, tập thể Viện đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, được Chủ tịch UBND thành phố tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua 2018.


Nhiều kiến nghị tâm huyết

Tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Đề tài số 08 về “Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố (2015-2020); phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030” mang tính bao quát cao, do vậy tầm nhìn trong nghiên cứu cũng phải xa hơn, rộng hơn, mang tính chiến lược hơn; đặt Hà Nội trong mối liên kết với vùng Thủ đô, các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Góp ý cho nội dung nghiên cứu của Đề tài số 08, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc) cho rằng, một trong những kết quả nổi bật của thành phố trong 5 năm qua là công tác xây dựng nông thôn mới. Từ kết quả 4 huyện đạt chuẩn, từ đó mới đủ các tiêu chí để chuẩn bị lên quận. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu ý và cần phân tích rõ là việc triển khai các đô thị vệ tinh của Hà Nội còn rất chậm. Do vậy, giải pháp trong thời gian tới là phải kiên quyết, đẩy mạnh thực hiện mô hình chùm đô thị; thực hiện quản lý theo mô hình chính quyền đô thị gắn với phân vùng, đồng bộ cả ở đô thị và nông thôn. 

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) nhận định, những năm qua, việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội được tập trung thực hiện tốt. Đây tiếp tục là hướng đi trọng tâm cần thực hiện trong những năm tiếp theo để Hà Nội khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của vùng và cả nước. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đặt ra những lo ngại ngày càng lớn nên cần được lưu tâm hơn nữa.

Một số chuyên gia, nhà khoa học cũng kiến nghị Hà Nội cần đẩy mạnh thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn; tiếp tục phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn... 

Củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ


Trân trọng ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá: Những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là rất đáng biểu dương, góp phần tham mưu, tư vấn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực nghiên cứu, giúp Thành ủy, UBND thành phố lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. 

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị cán bộ, chuyên viên tiếp tục nỗ lực xây dựng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò viện nghiên cứu của Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh những đề tài phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô, cần có thêm những chủ đề nghiên cứu khoa học góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh, thành phố lân cận cũng như cả nước. Trọng tâm năm 2019 là hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài số 08, góp phần hoàn thành Chương trình 20 về nghiên cứu khoa học trọng điểm để chuẩn bị văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố.

Đồng chí cũng lưu ý Viện cần củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời mời sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và thành phố đối với hoạt động nghiên cứu của Viện; tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

Về Đề tài số 08 “Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố (2015-2020); phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, đây là đề tài khó, phạm vi rộng, khối lượng công việc lớn và bao trùm. Kết quả thực hiện đề tài đến nay bảo đảm tiến độ và chất lượng, cho thấy sự tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm của cơ quan thường trực, các chuyên gia, nhà khoa học. 

Xác định khối lượng công việc còn lớn trong khi thời gian không còn nhiều, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chốt tiến độ đến 30-8-2019 phải hoàn thành công tác nghiệm thu các chuyên đề nhánh; cơ quan thường trực rà soát lại toàn bộ nội dung của Đề tài 08, xây dựng kế hoạch chi tiết, giao ban hằng tuần, tháng, quý để đôn đốc công việc. Viện cũng cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chủ nhiệm 7 đề tài còn lại trong Chương trình 20 về nghiên cứu khoa học trọng điểm; bám sát đề cương dự thảo Đại hội XIII của Đảng để xây dựng dự thảo, đề cương văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, trên tinh thần đi trước một bước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.