(HNMCT) - Sau vụ gặt lúa hè - thu, những chân ruộng phơi rơm rạ cho gia súc ăn đông cũng được dọn sạch, người dân làng Phja Thắp (xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) tất bật cho vụ làm hương chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và đầu xuân. Nhiều gia đình nhờ thế có cái Tết ấm no, đồng thời có dịp giới thiệu cho du khách về nghề truyền thống của người Nùng.
Tất bật vào mùa
Đường làng ngõ xóm của Phja Thắp giờ đã đổ bê tông sạch sẽ. Dọc theo con đường vào nhà, trên bờ ruộng hay cả những ruộng lúa đều đã dọn để có chỗ làm hương. Khi mặt trời vượt khỏi núi Phà Hùng - dãy núi bao bọc hơn 50 ngôi nhà sàn của làng Phja Thắp, người dân bắt đầu công việc phơi những cây hương đã được phủ bột.
Hỏi về lịch sử của nghề làm hương, những thế hệ người làng đều lắc đầu không rõ bắt đầu từ khi nào, nhưng bao đời nay nghề này đã được người Nùng ở Phja Thắp giữ gìn, phát huy. Theo ông Hoàng Văn Lập, Trưởng thôn Phja Thắp, điều đáng tự hào nhất là những bó hương của người Nùng ở đây đều là hương sạch - sạch từ nguyên liệu, sạch trong từng công đoạn làm và bảo quản. Bởi vì mọi người quan niệm, làm hương để dâng lên ông bà tổ tiên nên phải làm bằng cái tâm của mình một cách đầy trân trọng, thành kính.
Công đoạn chuẩn bị bột làm hương là cầu kỳ nhất trong cả quá trình. Nguyên liệu chính là lá bơ hắt (hay còn gọi là bầu hắt), mọc hoang trên rừng. Sau khi hái về, lá được phơi khô. Thường vào mùa thu, khi “nắng tháng Tám rám trái bòng”, nhà nào ở Phja Thắp cũng phơi đầy lá bơ hắt. Sau khi phơi khô, lá bơ hắt cùng vỏ cây nghiến đỏ, mùn cưa, cây thung, cây mạy khảo... được nghiền nhỏ, tán mịn, trộn lại với nhau. Những loại thảo mộc kia có công năng chính để tạo mùi thơm cho hương, giữ cho hương thơm nồng ấm, lại đảm bảo sức khỏe vì được bảo quản hoàn toàn tự nhiên.
Thân cây hương làm bằng cây mai già. Que hương Phja Thắp thường chỉ có hai kích cỡ dài 30cm và 40cm, hầu hết được chuốt bằng tay để có thể cảm nhận được độ cứng, dày mỏng của cây hương, đảm bảo khi cắm không bị gãy hay mối mọt. Bột nguyên liệu sau khi trộn đều được để sẵn trong một mẹt lớn, người làm nhúng những que mai đã chẻ sẵn vào nước rồi nhanh tay lăn để bột kết dính đều. Bột lá bơ hắt là chất keo kết dính tự nhiên giữa các loại bột với que hương từ từ bám vào thân cây, cứ lăn đều tay trong bốn lần là đạt chuẩn. Que hương có màu vàng tự nhiên của bột thảo mộc, tròn đều tăm tắp, sau khoảng 15 phút cho bám dính hoàn toàn là có thể mang hương đi phơi.
Đến Phja Thắp những ngày nắng sẽ thấy khung cảnh đặc biệt của làng nghề. Những cây hương tỏa đều, chân chụm lại trong những ống trụ đúc bê tông, xếp thành hàng ngay ngắn trên những thửa ruộng đã được dọn sạch, khoảng sân trước nhà hay dọc những con đường trong xóm. Chị Hoàng Thị Dược, một người dân trong xóm cho biết, cứ tranh thủ ngày nắng, cả nhà lại cùng phơi hương. Được nắng, hương chỉ cần phơi trong ngày là đã khô, lên màu đẹp. Còn nếu trời mùa đông sương mù nhiều, âm u thì phải mất vài ba ngày mới được một mẻ. Sau đó, chân hương được nhuộm cho lên màu đỏ đẹp, đóng gói thành phẩm để mang ra chợ bán. Những phiên chợ trong vùng đều có những người làng Phja Thắp tới bán hương.
Dù có thể làm túc tắc trong năm nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, tới hết các lễ tết mùa xuân, nhu cầu dùng hương của người dân địa phương tăng cao, nên cả làng cũng vào mùa cao điểm. Nhờ nghề truyền thống của cha ông, nhà nào cũng có thêm vài triệu, thậm chí vài chục triệu để lo sửa sang nhà cửa, mua sắm Tết, thậm chí mua được cả công cụ làm nông, phục vụ đời sống. Vài năm trở lại đây, nghề truyền thống của quê hương còn trở thành một điểm nhấn để giới thiệu với du khách khi đến trải nghiệm những dịch vụ cộng đồng tại địa phương.
Điểm đến trải nghiệm của du khách
Từ năm 2016, Phja Thắp cùng với xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) đã được Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) và Trung tâm Phát triển cộng đồng (DECEN) Cao Bằng hỗ trợ thực hiện Dự án “Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng”, có sự tài trợ của tổ chức Helvetas Thụy Sỹ tại Việt Nam.
Gia đình ông Hoàng Văn Kim là hộ gia đình tiên phong đầu tư nhà cửa để đón khách, giờ đã có thêm một hai hộ cùng hỗ trợ cho khách lưu trú. Homestay nhà ông Kim không chỉ là nơi lưu trú mà còn là điểm đầu cho hành trình khám phá văn hóa, đời sống và đặc biệt trải nghiệm làm hương truyền thống của người Nùng. Không gian thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng bao bọc lấy xóm làng, những làng nghề truyền thống cùng với những con người nồng hậu, chân chất, mến khách làm nên sức hấp dẫn cho nơi này. Anh Nguyễn Giang Nam, một du khách đến từ Hà Nội ấn tượng chia sẻ: “Phja Thắp xứng đáng là một điểm du lịch cộng đồng - làng nghề hấp dẫn”.
Theo anh Hoàng Tuấn Hòa, cán bộ phụ trách Dự án “Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng” tại tỉnh Cao Bằng, thúc đẩy các nghề truyền thống gắn với làm du lịch cộng đồng giúp bà con phát triển kinh tế. Những hộ không tham gia trực tiếp đón khách có thể làm các dịch vụ vệ tinh như bán nông sản, hướng dẫn làm nghề, hướng dẫn viên... Cùng với đó, ý thức giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, thay đổi tập tục chăn nuôi gia súc cạnh nhà... đã được cải thiện rõ rệt. Bà con mến khách đã chủ động làm đẹp thôn xóm để đón khách về với quê hương mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.