Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim Việt về đề tài hàn gắn tình cảm gia đình: Mong chờ những thước phim chất lượng cao

Mai Đình| 12/02/2023 11:50

(HNMCT) - Phim về đề tài gia đình đang được khán giả yêu thích cả trên màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng. Tuy vậy, người xem có quyền kỳ vọng nhiều hơn, muốn không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí mà còn tiếp nhận thông điệp ý nghĩa cả về nội dung và nghệ thuật.

Nhà lý luận, phê bình điện ảnh Hoài Hương - Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh:
Phim gia đình phải có thông điệp rõ ràng

Theo tôi, về mặt tâm lý học, vấn đề gia đình, sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình Việt đang có vấn đề. Tôi có cảm giác sự gắn kết ấy đang rất lỏng lẻo bởi nhiều nguyên nhân: Do mưu sinh, dịch bệnh, sự phát triển công nghệ trong thời đại 4.0, sự cách biệt giữa các thế hệ… Chính vì thế, những bộ phim về chủ đề gia đình đều hút khách, tạo ra sự tò mò. Khán giả xem phim muốn thấy cách giải quyết vấn đề đó như thế nào. Ở một góc độ nào đó thì khán giả cảm thấy có mình trong đó.

Phim về đề tài gia đình vẫn là địa hạt rộng mở cho các nhà làm phim, tôi kỳ vọng những bộ phim ấy vừa mang tính giải trí, vừa có thông điệp rõ ràng. Nhân vật Nhi trong phim “Nhà bà Nữ” muốn được tự do làm theo ước mơ của mình nhưng cô ấy phải tự lập kiếm sống, tự nuôi được bản thân mình. Thời nay, con cái chưa hẳn đã chịu ảnh hưởng quá nhiều từ cha mẹ, họ độc lập nhiều hơn. Tuy nhiên, xem những bộ phim truyền hình, phim điện ảnh Hàn Quốc về chủ đề gia đình, có thể thấy rằng mặc dù có nhiều tình tiết gay cấn, phức tạp nhưng cuối phim, người ta luôn thể hiện rõ thông điệp của mình, khẳng định gia đình là nơi có năng lượng an toàn, tích cực cho mỗi người.

Về phim “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành, theo tôi, không thể xem đó là phim điện ảnh. Nó là sản phẩm kết hợp của sân khấu, webdrama và phim truyền hình. Phim điện ảnh là để nhìn, để xem chứ không phải để nghe. Bộ phim này có rất nhiều câu thoại, khiến khán giả phải nghe nhiều quá. Hơn nữa, trong những bộ phim có câu thoại nhạy cảm hay nhiều câu tục tĩu thì nhà làm phim cần phải có lời cảnh báo dành cho khán giả. Trong những bộ phim điện ảnh hay truyền hình của chúng ta, đặc biệt là phim tâm lý gia đình, cũng cần có những lưu ý, cảnh báo về mặt ngôn từ trên phim.

Nhà biên kịch Phạm Tường Vân:
Cần định nghĩa lại dòng phim giải trí

Với dòng phim thị trường thì sự yêu thích của công chúng là vấn đề sống còn đối với nhà sản xuất phim. Dòng phim ấy bắt buộc phải đáp ứng thị hiếu của người xem. Ví dụ, với bộ phim “Tiệc trăng máu” được làm lại từ những tác phẩm điện ảnh thành công ở nước ngoài, nhưng lại được “Việt hóa” với những vấn đề của Việt Nam, chạm đến những vấn đề của xã hội Việt Nam hiện đại, với những mặt trái không dễ gì chạm tới được trong một cuộc sống bộn bề. Vì thế, nó được đông đảo khán giả đón nhận. Hay như bộ phim “Bố già” cũng rất thành công, với doanh thu hơn 400 tỷ đồng.

Trước đây, người ta nghĩ rằng phim thị trường là phải có “trai xinh, gái đẹp”, nhưng những phim gần đây cho thấy điều khác khi thực sự đã chạm vào nỗi đau con người, đặc tả thân phận người. Họ là những người gần như “dưới đáy” mà ngày thường bị lẫn trong dòng đời tấp nập ngoài kia. Trấn Thành đã kể rất tốt câu chuyện đó. Có thể nhiều người khắt khe về mặt chuyên môn sẽ nói phim của anh nặng “chất” sân khấu, "không điện ảnh lắm". Nhưng, câu chuyện ấy rất xúc động và khán giả chỉ cần như vậy thôi, bởi họ nhìn thấy mình trong đó. Chúng ta đang là “số ít” đi làm phim dành cho “số đông”. Nhiều khi chúng ta nhìn vấn đề theo thị hiếu cá nhân, nên có thể chưa chính xác. Người làm phim phải thực sự sống với những thân phận như vậy. Trước đây, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng làm phim “Hotboy nổi loạn và câu chuyện về cô gái điếm, chàng cười và con vịt”, hay bộ phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy… Tôi cho rằng, họ đã chạm đến những thân phận, với những điều mà lâu nay điện ảnh lãng quên.

Con người có nhu cầu về cảm xúc. Tâm lý của khán giả Việt thường không đòi hỏi tính điện ảnh cao. Họ cần được thỏa mãn nhu cầu về cảm xúc với đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Trong khi đó, nhiều nhà làm phim hay sợ rủi ro, phim Tết không dám làm phim buồn. Nhưng cuộc sống thực tế không phải như thế. Hằng ngày người ta phải vật lộn với cuộc sống, không phải lúc nào cũng sẵn sàng xem “trai xinh, gái đẹp” tán tỉnh nhau trên phim. Một bộ phim khác được làm với kinh phí không quá cao nhưng lại thu hút được nhiều khán giả là “Đêm tối rực rỡ”. Bộ phim ấy đã gióng lên tiếng chuông về bệnh trầm cảm, làm cho xã hội nhận ra sự nguy hiểm của nạn bạo hành gia đình. Với một đất nước phải trải qua chiến tranh, cuộc sống còn nhiều gian khó thì việc các thành viên trong gia đình không thể đối đãi nhẹ nhàng với nhau là vấn đề dễ thấy. Mỗi người chất chứa bao nhiêu nỗi đau ở bên trong. Người làm phim cần để ý xã hội bây giờ đang dư cái gì, thiếu cái gì. Sau đại dịch, người ta đã làm những bộ phim trong trẻo, nói về tình yêu, khát vọng sống để nâng người ta lên. Vẫn là giá trị nhân văn, nhưng cần có sự định nghĩa sâu sắc hơn về nó.

Nhà báo Nguyễn Phong Việt:
Cú hích cho thị trường phim Việt

Phim về đề tài gia đình vẫn là dòng phim được khán giả chờ đợi, mong muốn được xem nhất. Doanh thu phòng vé của phim “Bố già” và “Nhà bà Nữ”… đã khiến các đạo diễn cũng như nhà sản xuất nhìn lại và nhận thấy đâu đó họ vẫn chưa thể làm khán giả đồng cảm được với những nhân vật, câu chuyện mà họ muốn kể. Khi Trấn Thành làm phim “Bố già” và “Nhà bà Nữ”, khán giả đã tìm thấy sự đồng cảm. Chúng ta phải thừa nhận rằng, một thị trường điện ảnh phát triển không chỉ có những bộ phim về đề tài gia đình. Nhưng với một nền điện ảnh còn non trẻ như Việt Nam, lại vừa mới đi qua hơn 2 năm đại dịch, có sự khủng hoảng về mặt niềm tin của khán giả với phim Việt cũng như những khó khăn của hệ thống rạp thì những bộ phim về đề tài gia đình đang góp phần giúp cho thị trường trụ lại trong một giai đoạn bất ổn.

Tuy nhiên, người làm chuyên môn cũng như những nhà hoạch định thị trường luôn mong đợi  rằng, tác phẩm, ngoài việc mang lại doanh thu lớn thì còn phải có giá trị nghệ thuật. Mặc dù những bộ phim về đề tài gia đình như “Bố già” hay “Nhà bà Nữ” đang đứng tốp đầu về mặt doanh thu, nhưng đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng những bộ phim này chưa hẳn là tác phẩm điện ảnh mà nặng về truyền hình, sân khấu kịch, webdrama. Tuy vậy, ở thời điểm này, chúng ta cần có những bộ phim như thế để kéo khán giả đến rạp. Hướng đến tương lai với mong muốn có được những bộ phim về đề tài gia đình vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu giải trí lẫn nghệ thuật thì tôi tin rằng, những cú hích về mặt doanh thu như đã thấy với phim của “Bố già” hay “Nhà bà Nữ” sẽ giúp các nhà làm phim tự tin hơn để làm những bộ phim gần gũi, có cảm xúc. Đó là một phần động lực để họ làm nên những tác phẩm cân bằng các yếu tố giải trí và nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phim Việt về đề tài hàn gắn tình cảm gia đình: Mong chờ những thước phim chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.