Liên tiếp nhiều bộ phim Việt được nhận phát hành ở các rạp tại Bắc Mỹ, mở thêm cơ hội kiếm tiền cho nhà sản xuất phim Việt.
Cuối tuần qua, Để Mai tính (tựa tiếng Anh: Fool for Love) của đạo diễn Charlie Nguyễn lần đầu ra mắt khán giả khu vực Bắc Mỹ. Ngay lập tức, bộ phim có mặt trong bảng xếp hạng doanh thu phòng vé khu vực này với số tiền kiếm được 49.300 USD vào ba ngày cuối tuần.
Từ những đồng đô la đầu tiên...
Bộ phim “made in Vietnam” do Early Risers Media Group và Wonderboy Entertainment sản xuất được chiếu tại 8 rạp với doanh thu trung bình mỗi rạp 6.164 USD. Vị trí quán quân của bảng xếp hạng thuộc về Resident Evil 3: Afterlife (Vùng đất quỷ dữ 3: Kiếp sau) với doanh thu 26,6 triệu USD, chiếu tại 3.203 rạp, đạt trung bình 8.320 USD mỗi rạp.
Con số trên cho thấy độ hút khách của bộ phim tình cảm hài đến từ Việt Nam không hề kém cạnh so với bộ phim hành động kinh dị có chi phí sản xuất 60 triệu USD của Hollywood.
Nếu như dòng chảy phim Việt đến các liên hoan phim quốc tế luôn ồn ào và được “tiền hô hậu ủng” bởi giới truyền thông và cả xã hội, thì dòng chảy phim Việt đến các phòng vé ở nước ngoài có phần lặng lẽ, tưởng chừng đó chỉ là chuyện riêng, liên quan đến túi tiền của nhà sản xuất.
Thực tế này lại cho thấy một sự thật đau lòng khác, rằng: phim Việt mới được các nhà phát hành ở Bắc Mỹ - thị trường phim lớn nhất thế giới nhận chiếu chỉ từ một năm trở lại đây!
Trong số những bộ phim khai phá dòng chảy “cơm áo” này, có thể kể tới bộ phim lĩnh ấn tiên phong Cú và chim se sẻ (Owl and the sparrow) của đạo diễn mang dòng máu Việt Stephane Gauger, do Hãng phim Chánh Phương sản xuất.
Sau 9 tuần (từ tháng 1 đến tháng 4/2009) trụ vững tại vỏn vẹn 4 rạp ở Bắc Mỹ, bộ phim kiếm được 47 ngàn USD. Cộng thêm các đợt trình chiếu thương mại ở Hàn Quốc và Tây Ban Nha, phim thu về tổng cộng 170 ngàn USD so với chi phí đầu tư vào khoảng 50 ngàn USD.
Sáu tháng sau, Chuyện tình xa xứ (Passport to Love) của đạo diễn Victor Vũ tiếp tục nỗ lực khơi thông cho dòng chảy bằng đợt trình chiếu kéo dài 7 tuần tại 6 rạp, đạt doanh thu tổng cộng 173 ngàn USD.
… đến "hậu" Để Mai tính
Một ngạc nhiên thú vị, Sài Gòn nhật thực (Sai Gon Eclipse) - bộ phim bị giới truyền thông Việt Nam chê tơi tả - đã được hãng phát hành Indican của Mỹ nhận phổ biến và lên lịch chiếu tại khu vực Bắc Mỹ từ ngày 12/11/2010, một tuần trước ngày ra mắt của phim “bom tấn” Harry Potter và bảo bối tử thần phần I. Hiện chưa rõ có bao nhiêu rạp nhận chiếu Sài Gòn nhật thực.
Những đồng doanh thu tính bằng đơn vị ngàn USD của phim Việt là quá nhỏ bé so với đơn vị triệu USD của Hollywood. Nhưng nếu bỏ qua một bên chuyện kinh phí làm phim ở Việt Nam thấp và kỹ thuật hạn chế so với các cường quốc phim ảnh, sẽ có một câu hỏi đặt ra: một tác phẩm điện ảnh với câu chuyện thuần Việt có đủ hấp lực khiến khán giả nước ngoài phải bỏ tiền ra mua vé?
Có thể xem Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng là câu trả lời thuyết phục. Bộ phim đã thu về tổng cộng 1,9 triệu USD chỉ riêng tại Bắc Mỹ vào năm 1994, đến nay vẫn nằm trong top 200 bộ phim nói tiếng nước ngoài đạt doanh số cao nhất tại khu vực này.
Rõ ràng, vấn đề là điện ảnh Việt thực sự cần thêm những tác phẩm hay hơn nữa, đậm chất văn hóa Việt hơn nữa, mới mong có ngày dòng chảy thương mại vừa được khơi thông sẽ trở thành sông lớn đổ về biển.
Jimmy Phạm Nghiêm, chủ tịch hãng phim Chánh Phương:"Phim Việt sẽ ngày càng thành công hơn ở nước ngoài" Theo anh, việc phim Việt tìm kiếm được nhà phát hành ở Mỹ có khó không? Thông thường, nhà phát hành nào sẽ nhận phát hành cho phim Việt Nam ở Mỹ? - Việc tìm nhà phát hành ở Mỹ không dễ dàng như mình phát hành phim ở Việt Nam. Thông thường, những phim Việt Nam sẽ được chiếu ở những rạp mà người Mỹ gọi là Art House Theaters. Lý do là vì thể loại phim Việt mà bán được ra nước ngoài những năm gần đây đều được các nhà phát hành ở Mỹ đánh giá là thể loại phim nghệ thuật. Có vài cách để đưa được một phim Việt Nam phát hành ở Mỹ. Thứ nhất, nếu là phát hành phim, DVD phim Việt cho toàn nước Mỹ, thì những công ty phim ở Hollywood sẽ nhận lời. Thứ hai, nếu là phát hành cho người Việt Nam ở Mỹ, các công ty do người Việt làm chủ lẫn các nhà phát hành ở Hollywood đều có thể lo được việc này. Để tìm kiếm được nhà phát hành ở Mỹ, theo anh, phim Việt cần phải hội đủ các yếu tố nào? - Ở nước ngoài, họ phân rất rõ ràng hai loại phim: phim thị trường và phim nghệ thuật. Những bộ phim hành động của Việt Nam như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Khát vọng Thăng Long... thuộc dòng phim thị trường. Các bộ phim độc lập, nghệ thuật như Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Ba mùa, Cú và se sẻ, Sài Gòn Yo, Áo lụa Hà Đông... được cho là dòng phim nghệ thuật. Đây là những thể loại mà các nhà phát hành nước ngoài đều muốn mua và phát hành rộng rãi. Anh nhận xét thế nào về doanh thu và sự đón nhận của khán giả ở Mỹ? - Sẽ có khán giả xem, nhưng phần nhiều là người Việt sống tại Mỹ và hải ngoại. Hiện nay phim Việt đang được khán giả Việt Nam tại hải ngoại đặc biệt chú ý nên tôi nghĩ những phim mang ra nước ngoài chiếu sẽ ngày càng thành công hơn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.