Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim về đề tài nông thôn: ''Đặc sản'' của truyền hình Việt

Song Nhật| 27/03/2022 06:13

(HNMCT) - Cùng với những câu chuyện về đề tài gia đình, tình yêu được Việt hóa hay những nội dung hình sự gay cấn..., phim truyền hình Việt vẫn luôn có một dòng riêng biệt, tuy ít tác phẩm trở thành “bom tấn” song cũng rất hấp dẫn khán giả. Đó là dòng phim về đề tài nông thôn với những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng lay động và có màu sắc rất riêng.

“Lối về miền hoa” mang đến phong vị nhẹ nhàng, dí dỏm cho dòng phim về đề tài nông thôn.

Dòng phim nông thôn “chuyển mình”

Bộ phim “Lối về miền hoa” đang phát sóng những tập cuối khiến nhiều khán giả cảm thấy tiếc nuối. 24 tập phim mang đến cho công chúng hình ảnh về đời sống của thanh niên nông thôn trong giai đoạn hiện nay, vừa dí dỏm, gần gũi lại có nét hấp dẫn riêng. Lấy bối cảnh một làng hoa ven đô, đạo diễn Vũ Minh Trí dựng lên bức tranh nông thôn hiện tại, nơi có sự giao thoa những nét văn hóa cũ và mới. Ở đó có câu chuyện của thanh niên nông thôn với mong muốn lập nghiệp từ chính nghề trồng hoa của quê hương, có những câu chuyện về tình yêu, tình bạn...

Đạo diễn Vũ Minh Trí thừa nhận, “Lối về miền hoa” không khai thác nhiều yếu tố kịch tính, lắt léo mà đi vào xây dựng bức tranh đời sống dung dị, chân thực, vốn là "màu sắc phim" sở trường của anh. Điểm cộng nữa là dàn diễn viên trong phim khá mới mẻ với khán giả truyền hình, gồm những gương mặt trẻ như Trọng Lân, Lâm Đức Anh, Mạnh Quân, Tô Tuấn Dũng, Anh Đào, Hàn Trang... Dù cách diễn đôi khi còn “sạn”, cách trang điểm của một vài diễn viên chưa thuyết phục, nhưng những gương mặt mới góp thêm màu sắc tươi mới cho phim. Chính điều đó cùng với những chi tiết hóm hỉnh đã tạo nên nét duyên của “Lối về miền hoa”.

"Lối về miền hoa" góp thêm ví dụ sinh động cho dòng phim về đề tài nông thôn nhẹ nhàng mà có phong vị riêng của phim truyền hình Việt trong thời gian gần đây. Nếu như trước đây, phim về đề tài này gây được tiếng vang nhờ đề cập tới những vấn đề “nóng” ở nông thôn và có tính phản biện cao như: “Gió làng Kình”, “Đất và người”, “Ma làng”, “Mặn hơn muối”, “Thương nhớ ở ai”, “Bão qua làng”... thì gần đây, những bộ phim có nội dung nhẹ nhàng, dí dỏm lại được khán giả yêu thích.

Có thể kể đến “Mùa hoa tìm lại” của đạo diễn Vũ Minh Trí với bức tranh nông thôn thời hiện đại giàu có hơn về vật chất, nhiều lo toan hơn trong cuộc sống đời thường nhưng sự nghĩa tình, lối sống dung dị, hiền hòa thậm chí có phần bao đồng của người dân nông thôn vẫn được gìn giữ. Hay phim “Cô gái nhà người ta” của đạo diễn Trịnh Lê Phong phản ánh thế hệ thanh niên nông thôn mới đầy nhiệt huyết, khát vọng khởi nghiệp để thay đổi diện mạo làng quê... Dù không có những tình huống quá éo le, bi kịch như các dòng phim khác, đặc biệt là phim Việt hóa, song phim về đề tài nông thôn vẫn hấp dẫn vì mỗi người xem dường như tìm thấy mình trong đó.

Khó khăn để tạo chất riêng

Mặc dù chưa có “bom tấn”, tuy nhiên, dòng phim về đề tài nông thôn góp phần tạo nên màu sắc riêng của phim truyền hình Việt. Bên cạnh những câu chuyện tình éo le, bí mật gia tộc... với bối cảnh xa hoa khiến người ta thấy na ná phim Hàn, phim Trung Quốc thì những câu chuyện về đề tài nông thôn với bối cảnh làng quê gần gũi lại trở thành “đặc sản”.

Tuy nhiên, đây cũng là đề tài khó, đòi hỏi nhiều sáng tạo bởi lâu nay, số đông nhà biên kịch đã quen với việc viết kịch bản mang tính giải trí thiên về chuyện tình yêu, gia đình, vừa dễ viết vừa hợp gu với nhiều nhà sản xuất. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng chia sẻ, đề tài về nông thôn chiếm khoảng 1/3 số lượng kịch bản gửi về Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) hằng năm, tuy nhiên, số kịch bản đủ chất lượng để làm phim lại rất ít.

Bên cạnh đó, theo đạo diễn Trịnh Lê Phong, đạo diễn phim “Cô gái nhà người ta”, làm phim về đề tài nông thôn có nhiều khó khăn, trong đó, khó nhất chính là điều kiện sản xuất. Đoàn phim phải chọn bối cảnh ở nhiều nơi khác nhau để tạo thành một làng, diễn viên phải đi xa, rất mất công và tốn kém... Đặc biệt, phim về đề tài nông thôn thường không hút được tài trợ, quảng cáo nhiều như các phim về đề tài tình yêu, hình sự, gia đình, hôn nhân... nên ít nhà sản xuất mặn mà. Điều này thể hiện rõ ở số lượng phim "ra lò" hằng năm - thường chỉ có 1-2 phim về đề tài nông thôn.

Trong bối cảnh thị phần khán giả xem truyền hình miễn phí đang dịch chuyển dần về vùng nông thôn, đề tài nông thôn càng rõ là “mảnh đất màu mỡ”, có thể phát triển thành dòng phim “đặc sản” của phim truyền hình Việt. Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng của đời sống nông thôn hôm nay đòi hỏi biên kịch cũng như những nhà làm phim phải thực sự “sống với làng” thì mới có thể chuyển tải câu chuyện hấp dẫn tới người xem.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phim về đề tài nông thôn: ''Đặc sản'' của truyền hình Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.