Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim truyện “Những người viết huyền thoại”: Rõ sự chăm chút, sáng tạo

Thi Thi| 25/09/2013 06:23

(HNM) - Tối 23-9, bộ phim truyện điện ảnh


Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”.


Một bộ phim chiến tranh với 4.500 cảnh bom đạn, gấp 3 lần so với thông thường cùng một lối dàn dựng, quay phim tỏ rõ sự chăm chút, sáng tạo.

Phim bắt đầu bằng một câu hỏi lớn, một cuộc tranh luận nảy lửa của tướng lĩnh: Không thể kết thúc cuộc chiến tranh chỉ bằng những trận đánh du kích với khẩu AK47. Nhưng lấy đâu ra xăng dầu để có những trận đánh lớn với xe tăng, thiết giáp, pháo hạng nặng?

"Sẽ có xăng dầu cho những trận đánh lớn", đó là lời hứa của tướng Dinh (từ nguyên mẫu của tướng Đinh Đức Thiện), cha đẻ của tuyến đường dẫn xăng dầu từ Bắc vào Nam tiếp sức cho chiến trường. Từ đây, cũng theo bước chân của tướng Dinh, những câu chuyện bi tráng, xúc động về những người viết lên huyền thoại dần mở ra, sống động một hồi ức của lịch sử dân tộc… Đó là những người lính gùi xăng bỏng da, cô văn công cầm súng và hát quan họ, là bé gái trong cơn hoảng loạn tìm em, phút chốc trở nên rắn rỏi, hướng nòng pháo về phía máy bay địch…

Phải khẳng định đây đích thực là một bộ phim chiến tranh với không khí bom đạn rung chuyển hầu như suốt 100 phút của phim. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ với Hànộimới: Đã có 4.500 cảnh bom đạn (thay vì chỉ 1.500 cảnh như thường thấy) để tạo một không khí chiến tranh thật nhất có thể. Ở đây, hy sinh mất mát cũng được thể hiện trực diện, không né tránh: Vừa mới đây thôi tiếng cười của các cô thanh niên xung phong còn vấn vít nơi ô cửa buồng lái, cùng lời đề nghị với "bố Dinh": "Để lại cho chúng con mấy anh bộ đội", thì chỉ ít phút sau, cùng tiếng bom, máu của họ đã vương đầy kính xe…

Hai cảnh phim mang lại nhiều cảm xúc, trải nghiệm cho người xem là cảnh đoàn chiến sĩ bất động giữa dòng suối với quả bom từ trường trước mắt chỉ chờ kích nổ. Các vật dụng kim loại, xích sắt vắt trên vai, phuy xăng đang trôi… đều trở thành thử thách sinh tử. Khắc họa ra giây phút ấy cho thật con người trong cái lẽ sinh tồn tự nhiên và trong cái lẽ của tinh thần đồng đội là một nỗ lực đáng ghi nhận. Một cảnh khác cũng đầy ám ảnh là cảnh đoàn văn công trở ra Bắc vướng mìn bẫy trong lòng suối. Cũng lại im lặng, những màu áo xanh lần lượt từng người một ngã xuống giữa vòng vây mìn nổ. Trong đó có Hà, tay còn nắm chiếc lá đỏ của rừng Trường Sơn, mà ít phút trước đây cô vừa hẹn Nghĩa, chàng giao liên rắn rỏi: "Đừng chết, hẹn ngày về đến chơi nhà em ở số 16 phố Phan Bội Châu"!

Khốc liệt, nhưng không hề khô khan, khi nhiều chi tiết hài hước của đời lính được khai thác hiệu quả. Cũng lại có hình ảnh cậu bé tên Hùng trở đi trở lại như một hình tượng có sức lay động. Mà theo Bùi Tuấn Dũng thì là từ một ý thơ: "Đến đứa trẻ cũng phải quen bom đạn", tất cả cho thấy cái đường cùng mà một dân tộc bị dồn nén...

Nghĩa (do Quốc Thái thể hiện) là một phát hiện xứng đáng của bộ phim. Một khuôn mặt "thô ráp", đầy cá tính, chân thành khác hoàn toàn với hình ảnh những chú bộ đội "hiền hiền" mà ta hay gặp… Hà, chiến sĩ văn công cũng được Tăng Bảo Quyên thể hiện với vẻ đẹp giản dị, mạnh mẽ, cùng Nghĩa làm nên cặp đôi dấu ấn.

Phim chiến tranh lâu nay hay bị cho là giả, là giáo điều, khuôn mẫu… "Những người viết huyền thoại" chưa phải là hoàn hảo, nhưng có thể xem như một trong số ít ví dụ về một bộ phim chiến tranh nếu được chăm chút hoàn toàn có thể đạt được những giá trị về cả nghệ thuật và thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phim truyện “Những người viết huyền thoại”: Rõ sự chăm chút, sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.