(HNM) - Thời gian gần đây, nhiều phim truyền hình Việt Nam đem đến cho khán giả trải nghiệm điện ảnh chất lượng không kém phim chiếu rạp. Từ bối cảnh, kỹ xảo, góc quay, đạo cụ đến diễn xuất diễn viên đều được nâng cao. Cùng với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ số, phim truyền hình Việt Nam không chỉ có chỗ đứng trong nước, mà đang đầy triển vọng bước ra thế giới.
Những thước phim chân thực, sống động
Bộ phim truyền hình 10 tập “Bình minh phía trước” về tuổi trẻ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đang phát sóng trên kênh VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), không chỉ thu hút khán giả đại chúng, mà còn được giới chuyên môn đánh giá là có những hình ảnh như phim chiếu rạp. Là đạo diễn thành công với dòng phim truyện nhựa, nên khi nhận lời biên kịch và đạo diễn tác phẩm này, Nghệ sĩ ưu tú Bùi Tuấn Dũng triển khai giống phim truyện. “Bình minh phía trước” khắc họa cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với những lát cắt rất đời, những tuyến nhân vật đa diện cùng cách kể chuyện hiện đại. Để tái hiện quá trình sinh sống, học tập, chiến đấu, hoạt động cách mạng và hy sinh oanh liệt của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đoàn phim đã đi khảo sát và chọn 13 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam để dựng bối cảnh quay phim.
Khép lại sau hơn 70 tập phát sóng trên kênh VTV1, bộ phim “Bão ngầm” vẫn để lại dư âm sâu đậm với khán giả không chỉ ở câu chuyện hấp dẫn về cuộc đấu tranh chống tội phạm của lực lượng cảnh sát hình sự, mà còn là những hình ảnh ấn tượng trong phim. Có nhiều cảnh quay rộng, từ trên cao về những vùng đất đẹp, hùng vĩ của đất nước, đến nay vẫn được khán giả và cộng đồng mạng tâm đắc, truy lùng địa danh thực tế để tìm đến. Theo tiết lộ của tác giả kịch bản, phó đạo diễn Đào Trung Hiếu, phim được quay bằng máy quay 4K chuyên dụng trong sản xuất phim điện ảnh chiếu rạp, thu tiếng trực tiếp tại hiện trường, nên hình ảnh, âm thanh sắc nét, chân thực.
Từ thứ hai tới (ngày 18-7), vào “khung giờ vàng” - 21h hằng ngày, kênh VTV1 bắt đầu khởi chiếu bộ phim truyền hình “Đấu trí” lấy cảm hứng từ những sự kiện mang tính thời sự, những đại án tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu sinh phẩm y tế. Bên cạnh mong muốn mở ra những câu chuyện ẩn sau các vụ việc còn đang “nóng” trong đời sống, ê kíp làm phim còn tham vọng đem đến những cảnh quay mãn nhãn cho khán giả. Bối cảnh phim trải dài ở nhiều địa phương, những đại cảnh đuổi bắt, truy quét tội phạm huy động hàng trăm chiến sĩ công an với trang thiết bị chuyên dụng, hứa hẹn tạo nên không khí chân thực, giàu cảm xúc cho người xem.
Nổi tiếng với các phim truyện gây “bão” phòng vé nhiều năm qua, song đạo diễn Victor Vũ lần đầu bắt tay thực hiện phim dài tập về chủ đề trinh thám, kinh dị, vốn ít xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, có tên “Trại hoa đỏ”. Những tập đầu phim đang phát sóng trên kênh truyền hình K+Cine thực sự cuốn hút, từ các tình huống thót tim, những bước ngoặt đột ngột, đến những hình ảnh khoe trọn vẻ đẹp thơ mộng của cao nguyên Lâm Đồng…
Những bước tiến mới
Trước đây, phim truyền hình Việt thường bị coi là “một màu”, như bản sao của sân khấu với bối cảnh hẹp, tình tiết cường điệu và diễn xuất kịch hóa. Song, vài năm trở lại đây, mảng phim này đã có những bước tiến mới với sự đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp, hướng đến khán giả. Đạo diễn Victor Vũ kể, ê kíp mất 2 năm để chuẩn bị cho phim “Trại hoa đỏ”. “Với tôi, 8 tập “Trại hoa đỏ” giống như 8 bộ phim truyện điện ảnh thu nhỏ. Quá trình chuẩn bị, thực hiện phim đều được làm theo đúng quy trình của phim điện ảnh”, đạo diễn Victor Vũ cho hay. Theo ông, giai đoạn mất nhiều công sức nhất là xây dựng kịch bản, làm sao để chắt lọc được những tình tiết hợp lý, có cao trào, có chiều sâu. Việc tìm và xây dựng bối cảnh cũng phải thật kỹ lưỡng, để có sự kết nối phù hợp về góc quay và nội dung phim.
Nghệ sĩ nhân dân Trọng Trinh, người tham gia nhiều phim truyền hình với tư cách đạo diễn và diễn viên cho rằng, để làm được những bộ phim chất lượng cao, thì yếu tố quan trọng nhất là nhân lực, cùng với đó là thiết bị, kỹ thuật. Không chỉ diễn viên, mà đạo diễn, biên kịch, quay phim, kỹ thuật viên… cũng cần được nâng cao kỹ năng, có thể tiếp cận và sử dụng phương thức hiện đại để làm phim. Những phim truyền hình được giới nghề và khán giả đánh giá tốt thường sử dụng máy quay chất lượng cao, được thu tiếng trực tiếp tại hiện trường. Hầu hết các phim truyền hình hiện nay đều có giám đốc hình ảnh để chỉ đạo quay phim, thiết kế từng khuôn hình.
Là khán giả lâu năm của phim truyền hình Việt, chị Nguyễn Minh Ngọc (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Hiện nay, nhiều gia đình đã có điều kiện sắm thiết bị giải trí màn hình lớn, âm thanh sống động, nên nhu cầu xem phim truyền hình chất lượng cao ngày càng nhiều. Khán giả sẵn sàng trả tiền để có những trải nghiệm điện ảnh tốt ngay tại nhà”.
Hiện tại, ngoài các kênh truyền hình, nhiều nền tảng xem phim, như: Netflix, FPT Play, Danet, VTV Giải trí... cũng đang được khán giả lựa chọn để thưởng thức theo nhu cầu. Đặc biệt, trên nền tảng xem phim phổ biến toàn cầu Netflix - nơi quy tụ nhiều phim truyền hình, phim truyện điện ảnh mới của các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu xuất hiện nhiều phim Việt Nam. Tuy nhiên, mới chỉ có phim truyện điện ảnh, còn phim truyền hình dài tập vẫn vắng bóng trên nền tảng này. Song, với đà đổi mới, nâng cao chất lượng, chắc chắn phim truyền hình Việt Nam sẽ có chỗ đứng và lan tỏa đến đông đảo khán giả thế giới thông qua các nền tảng xem phim trực tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.