(HNM) - "Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt" (gọi tắt là "Hot boy") có tên phát hành trên thị trường quốc tế là "Lost in Paradise". Bộ phim cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong một thế giới mà người ta ngỡ là thiên đường để rồi vỡ mộng.
Tại phim trường “Hot boy nổi loạn”. |
Lần này đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã tiết chế phần lời thoại và đẩy nhanh tiết tấu của phim ngay từ những phút đầu tiên. Gây ấn tượng với những khuôn hình đẹp, "Hot boy" đi sâu vào những góc khuất của cuộc sống, nơi những con người dưới đáy xã hội đang vật lộn mưu sinh nhưng vẫn khao khát được yêu thương và chia sẻ. Điểm sáng của bộ phim chính là diễn xuất của dàn diễn viên, cả chuyên nghiệp và không chuyên. Mỗi nhân vật dường như đã được đạo diễn "đo ni đóng giày". Lương Mạnh Hải lột tả được sự nổi loạn quyết liệt của anh chàng "điếm nam". Hồ Vĩnh Khoa lần đầu tham gia diễn xuất trên màn ảnh rộng với một vai phải khóc rất nhiều, nhưng không gây cảm giác khó chịu cho người xem nhờ lối diễn bản năng và cách thoại mềm mại. Phương Thanh vào vai một cô gái "đứng đường" tưng tửng, tung hứng vừa đủ với vai diễn thằng Cười do Hiếu Hiền thể hiện, hầu như không có thoại nhưng đủ cho khán giả cảm nhận. Các "diễn viên" đặc biệt như đôi mèo ở cùng Lam hay chú vịt do thằng Cười ấp đã thể hiện "tròn vai".
Có điều, về phương diện kịch bản, chuyện phim nhiều lúc sa đà theo lối kể tự nhiên chủ nghĩa, dàn trải và chia tách thành hai phần riêng biệt theo phong cách của hai tác giả. Có thể thấy được dấu ấn của Lương Mạnh Hải tập trung ở những đoạn phim giàu kịch tính, dữ dội và Vũ Ngọc Đãng vẫn lan man ở những phân đoạn viết về "Thằng Cười, cô gái điếm và con vịt".
Những yếu tố ngẫu nhiên bị lạm dụng quá mức ở tuyến truyện về "hot boy": Khôi dễ dàng bị lừa, Đông đột nhiên biến mất, Lam tình cờ thấy Khôi ngủ ở góc chòi, chỉ sau cuộc gặp gỡ đó Khôi đã trở thành người tình của Lam, rồi Đông đột nhiên xuất hiện và dễ dàng bị đuổi đi... Còn ở tuyến "cô gái điếm, thằng Cười và con vịt", việc dàn trải, trở đi trở lại chi tiết cô gái điếm bị đám ma cô bắt nạt, Cười chứng kiến, Cười bị đánh... đã khiến đoạn phim kết phải dùng phụ đề mới giải thích được hết điều đạo diễn muốn nói.
Tuy vậy, với cách miêu tả chi tiết và xúc động về mảng tối Sài Gòn hoa lệ, bộ phim đã khiến đông đảo người xem xúc động. Sức lan tỏa của bộ phim còn đến từ một chiến dịch truyền thông rầm rộ trước đó của nhà sản xuất, từ khi kịch bản được duyệt, trong quá trình quay cho đến khi tác phẩm được chọn là đại diện của Việt Nam tham dự LHP quốc tế Toronto (Canada).
Dù sao thì sự ra đời của "Hot boy" đã khẳng định thêm về phong cách của những bộ phim do BHD sản xuất: hình ảnh đẹp, âm thanh chất lượng cao, đạt chuẩn phát hành nội địa và quốc tế, hướng đến số đông khán giả và chắc chắn thu lời. Phim cũng cho người xem thêm một sự trải nghiệm để thấy rõ hơn giá trị cuộc sống mà ta đang có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.