Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim hoạt hình Việt: Vẫn đau đáu giấc mơ ra rạp

An Định| 29/10/2022 17:23

(HNMCT) - Cùng với sự chuyển động mạnh mẽ của lĩnh vực hoạt hình trên toàn thế giới, ngành hoạt hình Việt Nam cũng bước vào Cuộc cách mạng 4.0 với nhiều thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là ở khu vực tư nhân. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của công chúng, còn bỏ ngỏ giấc mơ phim chiếu rạp bởi nhiều lý do.

Một dự án phim hoạt hình của Sconnect.

Lâu lắm mới có… diễn đàn

Đó là cảm giác của những người quan tâm đến phim hoạt hình Việt khi tới tham dự buổi tọa đàm "Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế" do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tổ chức vào ngày 18-10 vừa qua.

Cách đây 63 năm, ngày 9-11-1959, xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam ra đời và ngày này được lấy làm ngày truyền thống của ngành hoạt hình Việt Nam. Kể từ bộ phim “Đáng đời thằng Cáo” ra đời năm 1960, đến nay, ngành hoạt hình Việt Nam đã sản xuất cả nghìn bộ phim, trong đó có gần 100 bộ phim hoạt hình đã được trao giải Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, Giải thưởng Cánh diều và các giải thưởng quốc tế.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới (1986), các hãng sản xuất phim truyện của Nhà nước (thuộc Bộ Văn hóa) dần qua trạng thái được bao cấp, việc đặt hàng phim truyện có lúc bị gián đoạn, các nhà làm phim buộc phải thích ứng dần với cơ chế thị trường. Hãng phim Hoạt hình Việt Nam tại Hà Nội vẫn được đặt hàng khoảng 15 phim/năm, chủ yếu là sản xuất các phim ngắn.

Trong khi đó, từ năm 1990, Xưởng phim Hoạt hình tại thành phố Hồ Chí Minh đội ngũ vắng dần, khoảng chục năm nay hầu như không còn làm phim hoạt hình. Và kể từ bộ phim hoạt hình chiếu rạp gần nhất là phim 3D “Người con của rồng”, do đạo diễn Phạm Minh Trí thực hiện, ra rạp nhân dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến nay cũng đã 12 năm.

Trong bối cảnh điện ảnh chuyển đổi hoàn toàn sang kỹ thuật số, ngành phim hoạt hình Việt Nam đã có những sự thay đổi lớn, nhất là khu vực tư nhân, tuy nhiên, chưa có cuộc hội thảo nào để trao đổi và đánh giá về điều này. Với những người làm hoạt hình lâu năm như NSND Minh Trí, NSND Hà Bắc… thì lâu lắm mới lại có diễn đàn cho những người làm hoạt hình trong nước. NSND Minh Trí bày tỏ: Người ta có cảm giác hoạt hình bị lãng quên. Một diễn đàn để người làm hoạt hình lâu năm và những người trẻ, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, nhà quản lý cùng ngồi để đánh giá, tìm hướng đi cho hoạt hình là cơ hội, mong muốn của tất cả mọi người.

Với các đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình, kể cả những đơn vị có bước phát triển rất nhanh như Sconnect, Colory, Deedee Animation Studio, Sun Wolf…, việc có được một diễn đàn chung về hoạt hình để họ được đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước là một điều rất quý. Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập của Sconnect chia sẻ rằng, anh cảm giác những đơn vị như Sconnect hiện nay hoạt động đơn độc và mong muốn được kết nối với cộng đồng các nhà sáng tạo hoạt hình và cơ quan quản lý nhà nước.

Làm sao để tạo bứt phá?

Cũng tại tọa đàm, nhiều vấn đề đã được đặt ra xung quanh câu hỏi: Bao giờ chúng ta có những bộ phim hoạt hình chiếu rạp đỉnh cao, mang lại doanh thu lớn? Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng: "Hoạt hình Việt Nam thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức chiếm lĩnh rạp chiếu. Để có những bộ phim hoạt hình chiếm lĩnh thị trường, có dấu ấn, có tên tuổi trên thị trường quốc tế thì phải có những người làm phim tên tuổi dẫn dắt. Hiện chúng ta thiếu những tên tuổi như thế. Chúng ta cần nhìn nhận lại thực lực của ngành hoạt hình Việt Nam, đánh giá điều gì cần gìn giữ, điều gì cần mở rộng diện hoạt động, làm sao để thu hút các công ty cùng tham gia, giúp hoạt hình trở thành một phần quan trọng của công nghiệp văn hóa. Trên thế giới, nếu điện ảnh là nghệ thuật thứ 7 thì phim hoạt hình được công nhận là nghệ thuật thứ 8. Nhiều quốc gia có những tác phẩm hoạt hình nổi tiếng như Anime, Doraemon, công chúa, siêu anh hùng… thu hút hàng tỷ người theo dõi. Làm sao để chúng ta đạt được đỉnh cao như vậy?".

Để trả lời câu hỏi này, theo NSND Hà Bắc, chúng ta phải giải quyết được cả 3 vấn đề: Nghệ thuật, công nghệ và tiền. Ông tự tin rằng các nhà làm phim Việt Nam có đủ khả năng về nghệ thuật, nhưng vấn đề công nghệ và đặc biệt là mức đầu tư cho phim hoạt hình hiện nay vẫn quá "hẻo". Còn theo NSND Vương Duy Biên, muốn có những bộ phim tầm cỡ thì phải có nguồn nhân lực dồi dào, phải có cơ chế chính sách để hỗ trợ người làm phim hoạt hình đồng hành cùng các doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực này.

Nhìn sang khu vực tư nhân, theo đánh giá của Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, hiện nay có rất nhiều công ty có hoạt động sản xuất hoạt hình với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, phương thức kinh doanh linh hoạt, thị trường không ngừng mở rộng, có sự trao đổi hợp tác với nước ngoài. “Có công ty có trên 1.000 lao động và có sản phẩm thu hút hàng tỷ lượt người xem trên thế giới. Có thể thấy, năng lực sản xuất phim hoạt hình ở Việt Nam rất lớn” - Tiến sĩ Ngô Phương Lan nhận định. Nếu có sự động viên, định hướng kịp thời, đây sẽ là nguồn lực tốt để tạo ra sự bứt phá cho hoạt hình Việt Nam trong thời gian tới và biết đâu, ngày giấc mơ phim hoạt hình chiếu rạp trở thành hiện thực sẽ không còn xa...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phim hoạt hình Việt: Vẫn đau đáu giấc mơ ra rạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.