Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phiên cuối tuần, VN-Index lao dốc

Thanh Hương| 23/08/2013 12:50

(HNMO) - Tăng nhẹ vào đầu phiên nhưng sau đó VN-Index đảo chiều đi xuống và đến cuối phiên là giảm sâu, mất tới gần 10 điểm, tuột xa mốc 490 điểm.

VN-Index và HNX-Index trái chiều. Ảnh minh họa


Trước giờ mở cửa phiên ngày 23-8, thị trường đón nhận thông tin tốt là giá xăng giảm 300 đồng mỗi lít, giá dầu ma-dut 257 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giảm ít nên thông tin này không có tác động nhiều đến thị trường, có chăng chỉ là lúc đầu phiên.

Tại đợt khớp lệnh 1, VN-Index tăng nhẹ 0,65 điểm, tương ứng 0,13%, lên 496,77 điểm. Khối lượng giao dịch tương đối thấp với 1,173 triệu đơn vị và 11,84 tỷ đồng được chuyển nhượng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, tình hình thay đổi khi mà nhà đầu tư trở lại trạng thái xả hàng. Nhóm cổ phiếu lớn vẫn là những mã mà nhà đầu tư bán ra mạnh. Đóng cửa thị trường phiên sáng, VN-Index VnIndex giảm 5,44 điểm, tương ứng 1,1%, còn 490,68 điểm; VN30-Index về mức 544,83 điểm sau khi hạ 4,71 điểm (-0,86%).

Tại nhóm cổ phiếu lớn, một loạt mã xuống giá: VNM, VIC, STB, PVF, PPC, NTL, MSN, MBB, KDC, KBC, HPG, HAG, GMD, GAS, FPT, DPM, DIG, CII, BVH giảm 100-4.000 đồng mỗi cổ phiếu. Ở phía bên kia CTG, DXG, EIB, OGC, PNJ, REE lên 100-300 đồng/cổ phiếu nhưng không giúp gì cho được thị trường. Tính chung, toàn thị trường có 60 mã lên giá trong khi số mã giảm là 96.

Thanh khoản ở mức thấp. Tổng cộng có gần 24 triệu đơn vị và xấp xỉ 500 tỷ được được giao dịch thành công. HAR, ITA, PVT là 3 mã có tính thanh khoản tốt nhất phiên sáng nay, đạt 1,1-1,9 triệu cổ phiếu.

Như vậy, thị trường liên tiếp đi xuống trong những phiên vừa qua. Lượng cung gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ khi mà trước đây nhóm này đã tăng điểm khá. Theo FPTs, diễn biến điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tiếp tục gia tăng tích lũy đối với các mã cổ phiếu có cơ bản tốt, giá chưa tăng nhiều và thuộc nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng.

Trên sàn Hà Nội, khối nhà đầu tư ngoại giao dịch không quá nhiều nhưng PVS và PVX là 2 mã được khối này mua-bán nhiều nhất. Họ mua và bán PVS lần lượt 221.000 cổ phiếu và 244.500 cổ phiếu. Mã PVX được khối này mua 5.300 cổ phiếu và bán 118.100 cổ phiếu.

Tại đây, một số cổ phiếu chủ chốt tăng hoặc đứng giá. VCB và SHB cùng tăng 100 đồng/cổ phiếu, KLS và BVS giữ giá tham chiếu. Chốt phiên sáng, cộng 0,01 điểm HNX-Index đạt 61,86 điểm; HNX30-Index lên 115,09 điểm, ghi 0,16 điểm. Giao dịch vẫn khá thấp. Tổng cộng có 11,267 triệu cổ phiếu và gần 94 tỷ đồng được sang tay.

Đến phiên buổi chiều, lực bán dồn dập được nhà đầu tư tung ra khiến chỉ số chung của thị trường giảm mạnh. Kết thúc phiên, VN-Index giảm tới 9,3 điểm, tương ứng 1,87%, xuống 486,82 điểm; VN30-Index mất 7,46 điểm (-1,36%), còn 542,08 điểm.

Lực cung tại nhóm cổ phiếu blue-chips mạnh khiến hầu hết nhóm này xuống giá. Thị trường ghi nhận tới 26 mã nằm trong rổ VN30 xuống giá trong khi chỉ 3 mã đi lên. Trên toàn thị trường, có 124 mã giảm giá, số mã tăng giá là 78.

Mặc dù lực cung lớn nhưng sức cầu được cải thiện đáng kể giúp thanh khoản của thị trường ở mức khá cao với 54,165 triệu đơn vị và 1.165 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.

Trên sàn Hà Nội, lực xả hàng tăng lên đã đẩy HNX-Index quay đầu giảm 0,43 điểm, tương ứng 0,69%, xuống 61,42 điểm; HNX30-Index hạ 0,61 điểm, tương đương 0,54%, còn 114,32 điểm.

Tổng cộng có 21,079 triệu đơn vị và 176,914 tỷ đồng được chuyển nhượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên cuối tuần, VN-Index lao dốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.