(HNM) - Khi người lao động cả nước háo hức, tất bật với kế hoạch về quê, đi du lịch trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 thì những cán bộ văn hóa của Trung tâm Thông tin triển lãm Hà Nội (Trung tâm) phải lao động gấp đôi gấp ba ngày thường…
Những người "chuyên nghề" làm đẹp phố phường
Ra đường những ngày này, đâu đâu cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu, cờ nheo, cờ phướn triển lãm… tuyên truyền về ý nghĩa ngày Giải phóng miền Nam 30-4 và Quốc tế lao động 1-5. Kênh tuyên truyền, cổ động trực quan giúp người dân nhớ về những sự kiện lịch sử trọng đại, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống dân tộc.
Tranh cổ động chào mừng ngày Giải phóng miền Nam 30-4 và Quốc tế lao động 1-5. Ảnh: Như Ý |
Vui vẻ là thế nhưng ít người biết rõ công việc của những người chuyên nghề làm đẹp phố phường. Anh Lê Quang Sơn, một người có thâm niên trang hoàng đường phố, kể: "Đội treo mắc của trung tâm có 4 người nhưng mỗi năm phải treo 7.000-10.000 băng rôn, khẩu hiệu. Mỗi khi ra đường làm nhiệm vụ, chúng tôi phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu bởi phải treo mắc băng rôn, khẩu hiệu giữa dòng xe cộ dày đặc, dây điện chằng chịt, sơ sảy một chút thôi là tai nạn có thể xảy ra. Gặp thời tiết xấu, gió to, mưa lớn, loay hoay cả tiếng đồng hồ không treo được cái băng rôn, vậy mà vừa treo xong lại bị mưa gió đánh sập". Chia sẻ về nghề, anh Đinh Tiến Đức, Trưởng phòng Cổ động - Triển lãm nhớ như in hình ảnh toàn bộ cán bộ Trung tâm đội mũ bảo hiểm ra đường khắc phục sự cố do mưa bão vào ban đêm để sáng sớm hôm sau kịp đón các đoàn đại biểu quốc tế về dự Hội nghị APEC năm 2006: "Với khách trong nước, quốc tế đến Thủ đô, ấn tượng đầu tiên đối với họ có lẽ là hình ảnh trực quan, vì thế, bằng mọi cách chúng tôi phải trang hoàng phố phường tưng bừng, lộng lẫy trong ngày lễ trọng. Công việc tưởng là nhỏ nhưng lại có ý nghĩa chính trị và hiệu quả xã hội không thể ngờ".
Anh Đinh Tiến Đức cho biết thêm, để có những cuộc triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa của Thủ đô, đôi khi những cán bộ văn hóa đường phố trở thành nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu…. Chẳng hạn như đợt triển lãm ảnh về các công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, toàn bộ ảnh tại triển lãm là do đội ngũ cán bộ của Trung tâm sáng tác. Nhận nhiệm vụ gấp, đặt hàng các nhiếp ảnh gia tên tuổi thì không kịp, cán bộ của Trung tâm buộc phải mò mẫm đến từng công trình và lưu lại hình ảnh dưới góc nhìn của người tuyên truyền văn hóa. Chỉ sau 2 tuần, những hình ảnh đẹp nhất về các công trình chào mừng Đại lễ đã được giới thiệu tới công chúng.
Đừng quên "vũ khí" tuyên truyền Phố phường Thủ đô ngày càng lộng lẫy. Tuy thế, nếu để ý kỹ, dễ dàng nhận ra tranh cổ động - thứ "vũ khí" tuyên truyền nhiệm vụ chính trị sắc bén - ngày một ít đi, chủ đề ngày một… nhạt. Đó là nỗi băn khoăn, trăn trở của những người làm công tác tuyên truyền, cổ động trực quan.
Anh Đinh Tiến Đức chia sẻ: "Ở Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thực tiễn cách mạng, trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến. Ngày nay, tranh cổ động giữ vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiếc rằng loại vũ khí ấy đang không được tận dụng hợp lý như trước nữa. Các cuộc triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền nhiệm vụ chính trị từng "vang bóng một thời" nay dần bị lãng quên. Theo thống kê của Trung tâm Thông tin triển lãm Hà Nội, trung bình mỗi cuộc triển lãm diễn ra trong một tuần chỉ có vài trăm lượt người tới tham quan, thậm chí có những cuộc vắng khách ngay sau khi cắt băng khai mạc.
Để khắc phục tình trạng nói trên, Trung tâm đang xây dựng đề án nâng cao công tác tuyên truyền, cổ động, trong đó chú trọng tới các địa điểm lắp dựng tranh cổ động tấm lớn và phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện. Muốn làm được việc đó, chỉ sự cố gắng của những người chuyên làm đẹp phố phường thôi là không đủ, cần có sự quan tâm của các cấp, ngành, sự hưởng ứng của nhân dân. Ngoài ra, như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm nói, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) cần quan tâm nhiều hơn tới đội ngũ họa sĩ, có chiến lược phát triển, đầu tư, mở các lớp tập huấn, mở trại sáng tác nhằm khơi dậy khả năng sáng tác của họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.