Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phí quản lý chung cư, bao nhiêu là hợp lý?

Dạ Khánh| 21/07/2011 07:07

(HNM) - Những năm gần đây, số lượng các khu đô thị mới, khu chung cư trên địa bàn Hà Nội không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, cách tính phí dịch vụ tại các chung cư rất khác nhau. Sự việc chủ đầu tư tòa nhà Keangnam bị phạt vì thu phí "khủng" mới đây được dư luận quan tâm. Hànộimới nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc xung quanh vấn đề phí quản lý chung cư…

Ông Nguyễn Thế Tiệm (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân): Vì sao mỗi nơi một giá?
Sự việc Keangnam Vina bị phạt vì thu phí "khủng" mới chỉ là phạt việc thu quá mức quy định của UBND thành phố đối với dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy. Còn đối với phí quản lý chung cư tại Keangnam được coi là "kỷ lục" so với các chung cư trên địa bàn, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án giải quyết. Hiện cách tính phí dịch vụ tại các khu chung cư rất khác nhau. Cụ thể, tại KĐT Linh Đàm (Hoàng Mai), phí quản lý chung cư là 50.000 đồng/hộ/tháng, bao gồm: bảo vệ 24/24h, tiền điện thang máy, điện hành lang, lau dọn hành lang, cầu thang. Tại KĐT Việt Hưng (Long Biên), mức phí quản lý được tính 60.000 đồng/hộ/tháng. Tiền gửi ô tô, xe máy tại hai khu đô thị này được thu theo đúng giá quy định của thành phố. Mức phí này không quá lớn và dễ chấp nhận được. Nhưng tại một số chung cư cao cấp khác, cách thu và mức thu phí quản lý lại khá khác nhau, như ở Vincom B là 14.000 đồng/m2; Sky City 88 Láng Hạ 8.000 đồng/m2, Ciputra 6.300 đồng/m2, Keangnam gần 21.000 đồng/m2; D5 Dịch Vọng Hậu là 2 triệu đồng/hộ/tháng… Có thể nói, việc thu phí quản lý chung cư đang trong tình trạng lộn xộn.

Ông Nguyễn Như Thanh (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy): Ban quản trị chung cư chưa có thực quyền
Điều 71 Luật Nhà ở (có hiệu lực từ năm 2006) quy định nhà chung cư phải có ban quản trị là người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu và những người sử dụng trong quá trình sử dụng nhà chung cư. Trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư để bầu ban quản trị. Cũng theo Luật Nhà ở, ban quản trị nhà chung cư có quyền lựa chọn và ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư; hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp doanh nghiệp đó không thực hiện đúng cam kết; giám sát hoạt động của doanh nghiệp quản lý nhà chung cư theo nội dung hợp đồng đã ký. Thế nhưng do ban quản trị không có tư cách pháp nhân nên không đủ thẩm quyền giải quyết những vấn đề nảy sinh trong vận hành, nên chưa có chủ đầu tư dự án nào áp dụng quy định này. Vì vậy, trên thực tế, vai trò của ban quản trị còn rất hạn chế.

Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Khoa học xã hội Việt Nam): Bao nhiêu là hợp lý?
Hiện nay, do Hà Nội vẫn chưa có khung giá trần, mức phí dịch vụ quản lý chung cư chủ yếu vẫn do chủ đầu tư quy định, song mức thu lại khá chênh lệch. Có những nơi thu phí dịch vụ với mức giá rất cao, tính tổng cộng các loại phí một gia đình phải trả lên đến 5-6 triệu đồng/tháng, đắt ngang ngửa với việc thuê một căn hộ chung cư. Chính việc thu phí quá cao, tùy tiện là nguyên nhân dẫn đến xung đột lợi ích, tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư. Phí quản lý chung cư bao nhiêu là hợp lý? Theo luật định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định mức thu tối đa hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư. Để không còn xảy ra tình trạng tranh cãi phí quản lý chung cư, tôi cho rằng thành phố cần nghiên cứu, ban hành quy định về các loại phí, lệ phí và cả phương thức quản lý cho loại hình nhà ở này. Nên chăng phân phí dịch vụ thành 2 loại: Loại thứ nhất là mức phí cơ bản cho các dịch vụ thiết yếu mà khu chung cư nào cũng phải có như bảo vệ, thu gom rác, vệ sinh chung, chiếu sáng công cộng... Loại thứ hai là mức phí phụ trội đối với các dịch vụ khác: hồ bơi, sân tennis... đối với các chung cư cao cấp hơn. Mức phí này cao hay thấp tùy chất lượng dịch vụ do thỏa thuận của cư dân với chủ đầu tư và được thể hiện rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ để ràng buộc trách nhiệm đôi bên.

Bà Nguyễn Thanh Mai (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai): Cần cơ chế quản lý rõ ràng
Cùng với xu hướng đô thị hóa, các khu đô thị, chung cư trên địa bàn Hà Nội đang không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua. Vấn đề đặt ra ở đây là việc quản lý các khu chung cư này như thế nào, phí dịch vụ quản lý ra sao thì hợp lý bởi trên thực tế đã có không ít các vụ hỏa hoạn, xuống cấp, sập trần nhà xảy ra… nhưng việc giải quyết, trách nhiệm của các bên liên quan đến đâu thì ít ai được biết. Quản lý, vận hành nhà chung cư là lĩnh vực phức tạp bởi có nhà chung cư độc lập, có nhà chung cư hỗn hợp văn phòng, siêu thị, nhà ở, phần diện tích riêng của người mua, diện tích riêng của chủ đầu tư... Hiện nay, do cơ chế quản lý tại các tòa nhà chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp, vẫn chưa rõ ràng nên thời gian qua đã phát sinh không ít tranh chấp, khiếu nại liên quan nhưng việc giải quyết còn lúng túng, chủ yếu do văn bản pháp luật chưa đầy đủ. Việc thành phố ban hành cơ chế quản lý tại các tòa chung cư cùng quy định giá trần mức phí, lệ phí là rất cần thiết, tránh để xảy ra những mâu thuẫn và xung đột lợi ích trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phí quản lý chung cư, bao nhiêu là hợp lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.