Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phép thử về sự linh hoạt và sáng tạo

Thống Nhất| 25/12/2021 14:14

(HNMCT) - Dịch Covid-19 xuất hiện đã làm ảnh hưởng rõ rệt tới mọi mặt của cuộc sống, trong đó có việc dạy - học của thầy và trò buộc phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Bên cạnh những yếu tố tích cực như giúp học sinh duy trì nền nếp, bảo đảm chương trình... thì hình thức học tập này cũng mang đến những trải nghiệm khó quên, những thách thức không nhỏ với cô và trò. Từ đây, câu chuyện ứng xử học đường "thời trực tuyến" có thể xem như một phép thử về sự linh hoạt và sáng tạo với các bên nhằm nỗ lực cùng học sinh tiếp cận những giờ học hiệu quả, tích cực.

Hình thức học tập trực tuyến mang đến những trải nghiệm, thách thức không nhỏ với cả cô và trò. Ảnh: Đỗ Tâm

Những tình huống ngoài giáo án

Tháng 2-2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh thành phố Hà Nội phải nghỉ học đồng loạt. Nhằm duy trì nếp học, tùy điều kiện cụ thể, mỗi thầy cô giáo, mỗi nhà trường đã tìm kiếm các ứng dụng phù hợp để kết nối qua mạng internet tới học sinh, giúp các em học tập tại nhà. Hành trình dạy - học trực tuyến bắt đầu được triển khai... Từ việc chỉ coi đây là giải pháp tình thế, đến nay, việc dạy - học trực tuyến đã trở thành phương pháp dạy - học tối ưu khi học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, các lớp học trực tuyến phải đối diện với những tình huống dở khóc, dở cười, những yêu cầu ứng xử chưa từng có trong giáo án.

Khó khăn nhất khi tổ chức dạy học trực tuyến là đối với học sinh lớp 1. Cô giáo Kiều Thị Lý, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A8, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) chia sẻ: “Thời điểm này các con đã thích nghi, đáp ứng tốt với chương trình giáo dục theo phương thức học tập trực tuyến. Để có được kết quả ấy, cả cô và trò đã vượt qua những khó khăn ban đầu. Dễ thấy nhất là tình trạng học trò ngủ gật, thậm chí gục đầu trên bàn học, cô phải nhắn tin cho phụ huynh nhờ gọi con dậy. Có bạn hay gác chân lên bàn, có bạn thích vẽ lên màn hình máy tính, có bạn lại hay xin đi vệ sinh trong giờ học...”.

Một giáo viên khác chia sẻ, tới giờ cô vẫn chưa thể quên cảm giác khá căng thẳng của những ngày đầu dạy học trực tuyến với lớp học không phải chỉ là 40 học trò, mà được nhân đôi, thậm chí nhiều hơn, bởi có thêm bố, mẹ, ông, bà, anh, em... của học sinh cùng nhìn chằm chằm vào màn hình “xem cô dạy như nào” và để lại không ít bình luận.

Nhiều phụ huynh thừa nhận môi trường giáo dục trực tuyến bị xáo trộn ít nhiều với những tình huống thách thức cả nhà trường và gia đình, phổ biến như tiếng ồn bên ngoài vọng vào lớp học do yếu tố kỹ thuật, hoặc ngược lại là tình trạng “tiếng cô vang rừng núi nhưng không ai trả lời” vì trẻ mải chơi, ngủ, không tập trung, thậm chí làm hình nộm ngồi học thay…

Có thể nói, ứng xử của giáo viên và học sinh trong môi trường trực tuyến chịu những áp lực nhất định khi không gian giao tiếp bị thu hẹp (qua màn hình), phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật (mạng internet, chất lượng thiết bị), đối diện những vấn đề sức khoẻ (về mắt, vận động)… Những sự cố xảy ra đa phần chưa có tiền lệ, cũng không có nhiều thời gian tập dượt, làm quen, dễ khiến các bên đều bối rối...

Từ việc chỉ coi đây là giải pháp tình thế, đến nay, việc dạy - học trực tuyến đã trở thành phương pháp dạy - học tối ưu khi học sinh không thể đến trường học trực tiếp. Ảnh: Mạnh Tùng

Lắng nghe, hỗ trợ nhiều hơn

Thực tế cho thấy, việc dạy học trực tuyến không chỉ đòi hỏi giáo viên đầu tư nhiều thời gian, công sức, mà còn cần sự khéo léo, linh hoạt trong ứng xử, định hướng, dẫn dắt học trò tuân thủ quy định lớp học. Nhà trường cũng cần có giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế của phương thức dạy học này với tinh thần lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ nhiều hơn.

Trước tiên là việc nỗ lực đảm bảo điều kiện về kỹ thuật. Theo ông Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), nhà trường đã lắp đặt hệ thống camera ở 23 phòng học, bảo đảm mỗi lớp có một phòng học riêng và đều có thể tổ chức dạy học song song theo hai phương thức. Nhà trường cũng mua thêm dung lượng đường truyền internet, bảo đảm cho việc kết nối của giáo viên, học sinh luôn ổn định. Cũng với tinh thần này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin, để không làm gián đoạn việc học, nhiều đơn vị như Trường THCS Trưng Vương, Trường THCS Tam Đồng, Trường THCS Vạn Yên... đã dành kinh phí để lắp đặt hệ thống camera tại các phòng học, tăng dung lượng đường truyền.

Đây là những điều kiện cơ bản, quan trọng từ phía cơ sở giáo dục để tạo tâm lý tích cực, chủ động cho học trò của mình bắt nhịp nhanh hơn với môi trường học mới.

Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, các thầy cô, phụ huynh cũng cần sự hỗ trợ nhiều hơn về tâm lý, phương pháp, bộ khung quy tắc ứng xử để từ đó có sự linh hoạt, sáng tạo vượt khó, dẫn dắt học trò tiếp nhận bài giảng tích cực hơn. “Lắng nghe, đồng hành và chia sẻ” là thông điệp mà bà Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) gửi tới toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh nhà trường với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập của học sinh. Cũng bởi vậy mà thời khóa biểu của học sinh khối lớp 1, 2 và 3 luôn được xếp vào buổi tối. Từng có thời điểm, một số phụ huynh có nhu cầu chuyển con sang học buổi sáng, nhà trường vẫn tận tình đáp ứng bằng việc huy động đến giáo viên dự trữ cuối cùng... Cô giáo Kiều Thị Lý, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A8, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) cũng áp dụng giải pháp tích cực để thu hút trẻ trong giờ giảng trực tuyến như tổ chức chơi trò chơi, lồng ghép các nội quy lớp học một cách nhẹ nhàng, tránh cho trẻ cảm giác gò bó.

Thực tế cho thấy, với sự nghiêm túc nhưng cũng khéo léo, mềm dẻo của các thầy cô, việc học trực tuyến vốn khó khăn với học sinh, nhất là học sinh tiểu học cũng đã trở nên nhẹ nhàng, "vào nếp" hơn. Đặc biệt, tâm thế, hình ảnh chuẩn mực của thầy cô thể hiện trong buổi học cũng là nhân tố tích cực định hướng ứng xử cho học trò và phụ huynh trong môi trường sư phạm mới mẻ này.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con chia sẻ tâm huyết: “Việc chuyển đổi hình thức học từ trực tiếp sang trực tuyến đòi hỏi các thầy cô phải thay đổi phương pháp dạy học: cách thức truyền đạt kiến thức, kỹ thuật giao nhiệm vụ, nhận phản hồi, kỹ thuật tương tác với học sinh... Tuy nhiên, trên tất cả lại là việc xác lập một văn hóa ứng xử online với học sinh dựa trên việc thấu hiểu những khó khăn, áp lực về sức khỏe thể chất và tâm lý mà các em phải đối mặt trong quá trình ngồi trước màn hình liên miên, thiếu các hoạt động vận động và giao lưu tạo nên cuộc sống học đường đúng nghĩa”.

Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh đưa ra những gợi mở hữu ích như: Học sinh buồn ngủ, lơ đãng, mất tập trung ư? Thay vì mắng mỏ, phê bình các em, giáo viên hãy thay đổi các hoạt động học khoảng 20 - 25 phút một lần. Học sinh chat riêng, mở cửa sổ khác, làm việc riêng trong giờ? Thật ra, ở lứa tuổi này các em rất cần sự giao tiếp với bạn bè, nhu cầu chia sẻ, giao lưu cần được đáp ứng. Vậy các thầy cô rất nên điều chỉnh cấu trúc buổi học, cần có một thời lượng nhất định tạo điều kiện cho các em trò chuyện với nhau, đùa vui, kể chuyện…; cần đưa ra các quy tắc ứng xử học tập online, giờ nào được nói thoải mái, giờ nào không được làm việc riêng để tập trung nghe giảng.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cũng nhấn mạnh: “Dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến, các nhà trường phải đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh lên hàng đầu; quan tâm tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không gây áp lực, đồng thời hỗ trợ tốt nhất cho học sinh lớp 1, học sinh cuối cấp...”.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh: Để giúp cho việc học tập trực tuyến hiệu quả, Bộ yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường quan tâm triển khai công tác tư vấn tâm lý cho học sinh; bảo đảm an toàn thông tin khi học trực tuyến; hướng dẫn học sinh về phương pháp tự học và kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng... Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn phát triển năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phép thử về sự linh hoạt và sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.