Mặc dù mở cửa đến 9h tối, nhưng có lẽ vì bỏ qua hai ngày nghỉ cuối tuần nên triển lãm sách quốc tế - Việt Nam lần thứ IV (diễn ra từ ngày 17 đến 21-9) có phần… chưa phát huy hết công suất.
Không đến nỗi vắng, nhưng bảo là "sôi động" thì chưa hẳn. Lãnh đạo của một NXB trong Nam bày tỏ: Ngoài này triển lãm rộng rãi, lại có máy lạnh, nhưng ít người mua hơn. Triển lãm - Hội chợ sách ở TP Hồ Chí Minh diễn ra ngoài công viên, nóng nực, có khi còn mưa, nhưng người đi hội chợ và mua sách rất đông. Trong tuần đầu, tổng doanh thu của chợ sách đã lên tới 30 tỷ đồng. Có lý giải rằng: Hà Nội có một cái "triển lãm và hội chợ sách quanh năm" ở phố Nguyễn Xí, thế nên, cái triển lãm hai năm một lần này, dù quy mô hoành tráng hơn… nhưng không ăn thua. Cũng còn một lý do khác: Vì không nhiều người biết nên không nhiều người đến.
Trong tình hình chung như vậy, nhiều đơn vị vẫn có cách thu hút bạn đọc như "nhà" Trẻ quảng bá "Sông" của Nguyễn Ngọc Tư, "nhà" Văn hóa - Văn nghệ tổ chức giao lưu, ra mắt "Mùa thu đảo chiều" của Ma Văn Kháng, hay như cách công ty sách non trẻ như Quảng Văn Books tung ra cuốn du ký "Xách ba lô lên và đi" của một cô gái trẻ tự kiếm tiền đi hàng chục nước trên thế giới…
Tuy nhiên, cũng có điều khiến nhà văn chạnh lòng, như việc có đơn vị giảm giá… kịch trần, với 10.000 đồng một cuốn sách văn học. Theo một nhà văn trẻ thì: Đó là lối bán sách ngoài vỉa hè chứ không phải trong một hoạt động hội chợ sách!
Phải nói, Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ IV là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu 60 năm trưởng thành của ngành xuất bản - in và phát hành nước ta. Khâu triển lãm đã hoàn thành sứ mệnh. Còn hội chợ giống như một phép thử cho rất nhiều vấn đề về tổ chức, hỗ trợ các đơn vị, thu hút công chúng, thúc đẩy doanh thu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.