Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch, với quy mô lập quy hoạch khoảng 5.078,5 ha.
Di tích Thành Nhà Hồ |
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch được xác định theo ranh giới được UNESCO công nhận, bao gồm khu vực di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận thuộc địa bàn xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh và Thị trấn Vĩnh Lộc, thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu Quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo di tích Thành Nhà Hồ nhằm bảo tồn vững chắc, tôn vinh giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới và xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đặc biệt của khu vực Bắc Trung Bộ.
Nhiệm vụ Quy hoạch yêu cầu cần khảo sát, đo vẽ và đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu các tư liệu thư tịch và hồ sơ khảo cổ, hoàn thiện hồ sơ hệ thống di tích; hiện trạng quản lý di tích; tình hình kinh tế - xã hội và du lịch.
Bên cạnh đó, định hướng quy hoạch không gian bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch.
Cụ thể, nhiệm vụ Quy hoạch cần kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp các khu vực bảo vệ di tích. Xác định các vùng cảnh quan thiên nhiên cần phải bảo vệ để không ảnh hưởng đến di tích; các khu vực cho phép xây dựng mới; các khu vực hạn chế kiểm soát phát triển.
Cùng với đó là đề xuất định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, trong đó đề xuất định hướng tổng thể bảo tồn, tu bổ, phục hồi đối với quần thể di tích Thành Nhà Hồ; xác định danh mục các đối tượng di tích bảo tồn, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo tồn đối với từng hạng mục di tích; xác định nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; đề xuất danh mục các di tích dự kiến xếp hạng bổ sung.
Đồng thời, đề xuất định hướng phát triển du lịch khu di tích Thành Nhà Hồ gắn với du lịch tỉnh Thanh Hóa và khu vực miền Trung, gắn với du lịch cả nước và tuyến tham quan di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận.
Về xây dựng phân khu chức năng, cần đề xuất cơ cấu phân khu chức năng xây dựng, gồm các khu vực bảo tồn di tích; khu dân cư đô thị - nông thôn; khu vực phát triển các chức năng công cộng, dịch vụ du lịch; vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên... phù hợp với các định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích, phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Lộc và tỉnh Thanh Hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.