Sau hơn 2 tháng tiến hành biểu tình bạo loạn, phe đối lập Thái Lan đã quyết định mở rộng mặt trận chống đối chính phủ thông qua việc khởi kiện chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck về cuộc tổng tuyển cử mà họ cáo buộc là vi hiến.
Đây là bước khởi đầu của một cuộc chiến pháp lý hòng đẩy chỉnh quyền của Thủ tướng Yingluck ra khỏi đời sống chính trị đất nước. |
Ngày 4/2, đảng Dân chủ (DP) đối lập ở Thái Lan đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp đòi hủy bỏ kết quả cuộc tổng tuyển cử diễn ra cuối tuần trước.
Luật sư đại diện cho DP Wiratana Kalayasiri cho biết đơn kiến nghị của DP nêu rõ cuộc bầu cử trên là vi hiến xét trên một số quy định, trong đó có việc cuộc bầu cử đã không được hoàn tất trong một ngày.
Ngoài ra, DP còn yêu cầu giải tán đảng cầm quyền Puea Thai của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và ra lệnh cấm tham gia chính trị đối với các thành viên của đảng này.
Trước đó, chính phủ Thái Lan đã tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn theo đề xuất của bà Yingluck nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát từ hơn hai tháng qua.
Tuy nhiên, DP đã tảy chay cuộc bầu cử này, đồng thời vận động hàng nghìn người biểu tình ngăn cản các cử tri đi bầu cử khiến Ủy ban bầu cử quốc gia (EC) phải đóng cửa hơn 10.000 hòm phiếu ở 69 khu vực bầu cử, chủ yếu ở thủ đô Bangkok và các tỉnh miền Nam vốn là “cứ địa” của phe đối lập.
Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ tiến hành vòng bỏ phiếu thứ hai cho các điểm bầu cử chưa thể mở cửa trong ngày 2/2, song phe đối lập lại lấy đây làm cớ để phản đối tính hợp hiến của cuộc bầu cử.
Theo các nhà phân tích, đòn tấn công pháp lý này của phe đối lập có nguy cơ làm gia tăng cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan. Trong tuyên bố mới nhất về tình hình căng thẳng chính trị đang thách thức nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ Washington không muốn chứng kiến thêm một cuộc đảo chính quân sự nữa tại đất nước chùa Vàng.
Các cuộc biểu tình và bạo lực bùng phát ở Thái Lan từ 3 tháng trước khi Thủ tướng Yingluck tìm cách ân xá cho anh trai bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đang phải sống lưu vong ở Dubai kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Các tầng lớp trung lưu ở thành thị cũng như phe bảo hoàng ở Bangkok phản đối việc ân xá cho ông Thaksin, cho rằng bà Yingluck chỉ là “con rối” trong tay anh trai và đã phản kháng bằng cách kêu gọi biểu tình lật đổ chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.