(HNM) - Sáng 29-5, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác bảo đảm trật tự ATGT 5 tháng đầu năm 2013.
Phó Thủ tướng đã nghiêm khắc phê bình các địa phương gia tăng số vụ tai nạn giao thông (TNGT) so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các hiện tượng nổi cộm như taxi lừa đảo, tranh giành khách tại Hà Nội; xe chở khách phóng nhanh, vượt ẩu trên nhiều tuyến quốc lộ gây TNGT nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu mà trực tiếp là trưởng ban ATGT các địa phương; đồng thời xử phạt nghiêm khắc các lỗi vi phạm với mức phạt tối đa nhằm tăng tính răn đe…
Việc ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Tai nạn giảm nhưng số người chết tăng
Thực hiện mục tiêu giảm 5-10% số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT trong năm 2013, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đồng loạt nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT; kiểm tra các trung tâm sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm tra tải trọng xe lưu động trên một số tuyến quốc lộ; rà soát, bổ sung hệ thống biển báo giao thông; nâng cao chất lượng đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ… Nhờ đó, (tính từ ngày 16-12-2012 đến ngày 15-5-2013), số vụ TNGT trên toàn quốc đã giảm, nhiều địa phương đạt mức giảm sâu cả 3 tiêu chí. Toàn quốc đã xảy ra 12.052 vụ TNGT, làm chết 4.163 người, bị thương 12.171 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 2.089 vụ (tương đương 14,77%), giảm được 3.047 người bị thương (20,02%). Ông Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: 5 tháng đầu năm đã giảm TNGT về số vụ và số người bị thương. Tuy nhiên, số người chết và số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại tăng so với cùng kỳ.
Qua phân tích các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, có tới 18-24% số vụ là do lái xe vi phạm về tốc độ; 24-32% vi phạm đi sai phần đường; 12-19% vượt không đúng quy định. Bên cạnh lỗi từ ý thức, đạo đức của đội ngũ lái xe còn có nguyên nhân do các cơ quan chức năng một số địa phương chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về các điều kiện kinh doanh vận tải. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm có 29 tỉnh, thành phố tăng số người chết vì TNGT, trong đó có 10/29 tỉnh, thành phố tăng tới trên 30%. Điển hình là Lào Cai tăng 91,3%, Khánh Hòa 77,8%, Sơn La 55,9%, Lạng Sơn 48,6%…
Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu
Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá: Mặc dù số vụ TNGT có giảm nhưng vẫn phải khẳng định những mặt tồn tại. Đó là ý thức người tham gia giao thông còn kém, tới 80% số vụ TNGT lỗi là do người tham gia giao thông. Lĩnh vực taxi cũng rất bất ổn. Doanh nghiệp taxi chỉ quan tâm đến doanh thu mà khoán trắng, dẫn đến lái xe tranh giành khách, lừa đảo khách hàng. Chất lượng các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cũng cần sớm xem xét lại… Bộ Công an kiến nghị các địa phương gia tăng số vụ TNGT phải đánh giá kỹ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, kiên quyết không để tồn tại điểm đen giao thông. Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 34/NĐ-CP theo hướng tăng hình phạt bổ sung, cụ thể là tước giấy phép lái xe có thời hạn ngoài việc xử phạt tiền. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể tước giấy phép lái xe vĩnh viễn như vụ TNGT nghiêm trọng ở quốc lộ 32 ở Hà Nội gần đây.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nghiêm khắc phê bình các
địa phương gia tăng số vụ TNGT nghiêm trọng cũng như số người chết trong thời gian qua. Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, góp phần giảm ùn tắc và TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe taxi lừa đảo, tranh giành khách, xe khách dừng, đỗ đón khách bất kỳ chỗ nào đã gây bức xúc trong dư luận. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP Hà Nội phải khẩn trương chấn chỉnh hoạt động kinh doanh taxi.
Để thực hiện được mục tiêu giảm 5-10% số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT của năm nay, Phó Thủ tướng yêu cầu quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu Ban ATGT các địa phương và từng địa phương phải rà soát lại các khâu còn yếu của đơn vị mình để chấn chỉnh; nghiêm khắc xử lý vi phạm, xử phạt ở mức nặng nhất. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ lãnh đạo các cấp can thiệp vào các vụ vi phạm ATGT đường bộ để "xin - cho". Bộ Công an, Bộ GTVT xử lý nghiêm cả chủ phương tiện lẫn lái xe chở quá khổ, quá tải, phóng nhanh vượt ẩu; phát động không uống rượu bia vào buổi trưa, đặc biệt là lực lượng công an và thanh tra GTVT. Lực lượng chức năng cần công khai những cá nhân, tổ chức vi phạm về trật tự ATGT để cảnh cáo, nhắc nhở, răn đe, kể cả người uống rượu bia khi tham gia giao thông. Yêu cầu Bộ GTVT rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý hoạt động vận tải; tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, kiên quyết thu hồi giấy phép lái xe của lái xe vi phạm và thu hồi giấy phép hoạt động của các đơn vị vi phạm nhiều lần…
Xử lý các bất cập về quản lý bến xe tại Hà Nội Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4293/VPCP-TTĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về tình trạng quá tải trầm trọng, hiện tượng "xe dù", "bến cóc" gia tăng và những bất cập trong việc cấp phép các tuyến xe tại Bến xe khách Mỹ Đình. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.