Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển xe đạp công cộng: “Mảnh ghép” nhỏ cho mục tiêu lớn

Tuấn Lương| 12/12/2022 06:11

(HNM) - Nhiều chuyên gia nhận định, không bao giờ là muộn khi triển khai các dự án phát triển loại hình xe đạp công cộng, đặc biệt là tại các đô thị lớn hay thành phố du lịch. Xe đạp công cộng chính là “mảnh ghép” nhỏ góp phần kết nối và hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, hỗ trợ người dân di chuyển với cự ly ngắn trong khu vực trung tâm đô thị, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tiếng ồn, cải thiện chất lượng không khí.

Hà Nội đang đẩy mạnh việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng nhằm góp phần thay thế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Ảnh: TTXVN

Những tín hiệu tích cực

Ngày 28-11 vừa qua, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) phối hợp với Trường Đại học Công nghệ giao thông - vận tải ra mắt mô hình thí điểm xe điện hai bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến buýt nhanh BRT (từ nhà chờ BRT Văn Khê) đến Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông với cự ly tuyến dài 2,3km. Hai loại xe điện được sử dụng gồm xe máy điện và xe đạp điện trợ lực. Thời gian thí điểm trong 6 tháng, kéo dài đến hết ngày 28-5-2023 (hiện xe điện hai bánh đang chờ hoàn thiện các thủ tục đăng ký biển số trong ít ngày tới để chính thức phục vụ nhân dân).

Mô hình này cho phép người dân được sử dụng phương tiện miễn phí theo lộ trình cố định. Không chỉ vậy, hành khách từ Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông có nhu cầu sử dụng xe buýt nhanh BRT sẽ được mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra khu vực nhà chờ BRT Văn Khê rồi trả xe, đón xe buýt BRT. Quy trình từ nhà chờ BRT đến Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông cũng tương tự như vậy.

Với những người sử dụng phương tiện cá nhân có thể gửi lại tại hai điểm đầu, cuối rồi mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra điểm đón xe buýt thường hoặc buýt BRT.

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội cũng đã chấp thuận với đề xuất của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn 6 quận, gồm: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, với thời gian thí điểm 12 tháng. Trong thời gian thí điểm, thành phố không thu phí vỉa hè và có thu phí sử dụng dịch vụ.

Đơn vị này sẽ cung cấp 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe. Chi phí cho mỗi lượt thuê xe 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam Đỗ Bá Dân cho biết, các điểm bố trí xe đạp được ưu tiên kết nối với các phương tiện vận tải công cộng khác như xe buýt, đường sắt đô thị hay những điểm tập trung đông người là trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… làm sao để thuận lợi nhất cho người dân lấy xe và trả xe. Trước đó, mô hình này bắt đầu được thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh từ cuối năm 2021, sau đó nhân rộng ra một số địa phương khác, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Bình Định.

Góp phần phát triển giao thông xanh, bền vững

Từng trải nghiệm xe đạp công cộng ở thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Nguyễn Hồng Long (số 395 đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh giá: “Dịch vụ xe đạp công cộng tiện lợi, an toàn, chi phí rẻ. Tôi rất mong xe đạp công cộng sớm được triển khai tại Thủ đô Hà Nội”.

Trong báo cáo đề xuất UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương thí điểm xe đạp công cộng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho rằng, dịch vụ này góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối giữa các khu vực dân cư, bến xe, nhà ga tàu điện... với cự ly di chuyển ngắn, qua đó góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng sẽ tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thành phố trong việc thu hút đầu tư xã hội để phát triển giao thông công cộng. Sau thời gian thí điểm, thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu nhân rộng mô hình ra các điểm khác nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng thay cho phương tiện cá nhân.

Khẳng định phát triển xe đạp công cộng là xu hướng tất yếu, là một giải pháp trong tổng thể các giải pháp về phát triển giao thông bền vững ở các đô thị, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, phải giải quyết vấn đề hạ tầng để lôi kéo người dân đi xe đạp, đặc biệt là sử dụng xe đạp công cộng.

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ giao thông - vận tải Vũ Ngọc Khiêm (đơn vị thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối tuyến buýt nhanh BRT từ nhà chờ BRT Văn Khê đến Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông) cho biết, mục tiêu của chương trình thí điểm là nhằm hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển xe đạp công cộng: “Mảnh ghép” nhỏ cho mục tiêu lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.