(HNM) - Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 là một trong những văn bản pháp lý quan trọng, nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của chiến lược là đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao…
Cơ sở quan trọng
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 11-5-2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành Khoa học và Công nghệ, mà còn với toàn hệ thống chính trị. Đây là cơ sở để xây dựng các chính sách cụ thể về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời là căn cứ để xác định định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, đã tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia. Các xu thế khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên thế giới đang tác động sâu sắc, toàn diện đến quá trình phục hồi, phát triển bền vững, là nhân tố quyết định đến vai trò, vị thế của các quốc gia trong cục diện quốc tế mới đang định hình.
Việc ban hành và thực thi Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 cho phép chủ động tận dụng những thời cơ và ứng phó có hiệu quả với các thách thức sẽ phải đối mặt, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đến 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Theo Tiến sĩ Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), để đạt được những mục tiêu nói trên, chiến lược đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp, tập trung giải quyết những hạn chế, rào cản, điểm nghẽn cốt lõi tồn tại thời gian dài, ảnh hưởng đến phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta, nhất là những vấn đề quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; về cơ chế, chính sách.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung vào tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ; đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp…
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành; trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo…
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm; rà soát, tháo gỡ các rào cản, hạn chế, nhằm tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp…
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh sẽ tập trung hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; sắp xếp thu gọn đầu mối hệ thống tổ chức viện nghiên cứu công lập; triển khai chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ…
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao sẽ tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao; xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành…
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tập trung phát triển các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển hệ thống phòng thí nghiệm mạnh; triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp sẽ tập trung rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, tín dụng và quy định pháp luật về khoa học và công nghệ; hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép sử dụng kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các giải pháp thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp cuối cùng, đó là chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.