LTS: Chương trình số 06/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên trong 3 nhiệm vụ chủ yếu của chương trình - bên cạnh hai nhiệm vụ “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Nội dung này có tính chất nền tảng, bao trùm, gắn bó chặt chẽ với hai nhiệm vụ còn lại và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho thành công của Chương trình 06/CTr-TU. Hànộimới Cuối tuần giới thiệu loạt bài về sự sáng tạo, những thành công và bài học kinh nghiệm trong quá trình đồng hành để phát triển văn hóa của cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô.
Bài 1: Nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội
(HNMCT) - Là “Thủ đô tự nhiên của Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm” như nhận định của một nhà địa lý học nổi tiếng thế kỷ XX, dòng chảy phát triển văn hóa của vùng đất “Trước sông Nhị thủy, sau hồ Hoàn Gươm” mang dấu ấn đặc sắc từ các yếu tố địa chính trị, địa văn hóa. Thấu hiểu điều đó, Hà Nội không ngừng chủ động khơi thông dòng mạch này bằng nhiều chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp, trong đó có Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Chương trình 06).
Phát triển văn hóa - nhiệm vụ đầu tiên của chương trình bao quát nhiều nội dung quan trọng như môi trường văn hóa, di sản văn hóa, du lịch..., một lần nữa cho thấy tính nhất quán của mục tiêu đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Từ nền văn hiến
Năm 1943, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa.
Như vậy, gắn chặt với “sự sinh tồn”, văn hóa và phát triển văn hóa đã trở thành tự nhiên và tất yếu. Duy có điều, phát triển văn hóa tùy vào từng giai đoạn lịch sử, từng thời kỳ mà có chiến lược xây dựng, thực hiện cụ thể vừa nhất quán, linh hoạt vừa sáng tạo và phải dựa trên một nền tảng nhất định.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định nền tảng đó là: “Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng”. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt được nêu trong Chương trình 06: “Phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.”
Chương trình 06 cũng nêu rõ mục tiêu “phát triển văn hóa là vì sự hoàn thiện nhân cách con người, và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Để có được điều đó, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân đã không ngừng đồng hành, chung sức thực hiện 8 nội dung của phát triển văn hóa: Xây dựng môi trường văn hóa; Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa; Phát triển du lịch; Phát triển thông tin truyền thông; Phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; Hội nhập quốc tế.
Nội hàm nhiệm vụ phát triển văn hóa đã cho thấy tầm mức quan trọng và tính quyết định của nó tới các nhiệm vụ khác.
Một số kết quả bước đầu cho thấy văn hóa tạo dựng nền tảng tinh thần cho xã hội thế nào và tác động đến sự phát triển bền vững của Thủ đô ra sao. Đến quý I-2023, 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề được đánh giá cơ bản đạt kết quả tốt. Việc đặt ra chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu là một cách đo lường định lượng, đảm bảo chương trình đi đúng hướng. Nhưng cuộc sống luôn sinh động, phát triển văn hóa là câu chuyện chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Ngay trong các chỉ tiêu đạt và chưa đạt, chúng ta cũng nhận thấy sự nỗ lực chung, và đặc biệt là những bài học phong phú.
Công tác bảo tồn di sản mới chỉ đạt 50% chỉ tiêu về xếp hạng di tích... nhưng trong lĩnh vực này cũng nổi lên những câu chuyện thú vị về sức sáng tạo, khả năng phát huy nguồn lực văn hóa, như di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực sự thu hút du khách, đặc biệt là giới trẻ. Hơn 1.000 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp mỗi năm có thể chưa đạt được chỉ tiêu đề ra là 3.000 buổi/năm, nhưng đã thể hiện nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm tiếp cận khán giả qua các mô hình sáng tạo của nhiều nghệ sĩ trong bối cảnh khắc nghiệt do sự xuất hiện của dịch Covid-19.
Trong hội nhập quốc tế, Hà Nội được nhắc đến nhiều và gắn liền với nhiều sự kiện văn hóa sáng tạo với vai trò thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, như việc tổ chức thành công Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2022; Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022..., mới đây nhất là Biennale nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi'23 - sự kiện quan trọng góp phần giới thiệu Hà Nội với các tay máy quốc tế, đồng thời cũng đưa các nhiếp ảnh gia quốc tế và tác phẩm của họ đến với Hà Nội.
Tất cả phản chiếu nỗ lực kết nối, khơi thông nguồn lực của hệ thống chính trị và đặc biệt là sự chủ động tham gia vì tình yêu Hà Nội cũng như sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trên nền văn hiến Thủ đô.
Tạo môi trường, khơi nguồn lực
Chương trình 06 khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước”. Chính vì vậy, nhiệm vụ phát triển văn hóa với những nội dung đề ra là công việc lâu dài, thường xuyên, liên tục có tính chất kế thừa, phát triển.
Các mảng, các nội dung của nhiệm vụ phát triển văn hóa phải trở thành đòi hỏi thiết yếu trên mọi lĩnh vực của đời sống Thủ đô. Hành động vì môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh phải được tiến hành đồng thời cả ở nông thôn và đô thị, cả trong môi trường giáo dục, công sở, ngoài xã hội... Việc có được hệ thống thiết chế thể thao, văn hóa phủ khắp thành phố là cơ sở hạ tầng đáng quý, nhưng xây dựng môi trường văn hóa bằng cách kết nối con người và khơi dậy trong con người tinh thần văn hóa qua không gian ấy mới là điều quan trọng nhất. Tỷ lệ 88% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, 72,5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa hằng năm vẫn tiếp tục đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để nhân rộng các mô hình tích cực, hiệu quả.
Đặc biệt, dấu ấn chồng lớp của lịch sử Hà Nội không ngừng nhắc nhớ các nghệ sĩ về nguồn di sản quý giá để khai thác, phát huy giá trị nhằm phục vụ đời sống tinh thần của người dân, phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội.
Qua chặng đầu thực hiện Chương trình 06, bên cạnh những dấu ấn chủ động, tích cực, thấy rõ sự hạn chế trên các nội dung của công tác phát triển văn hóa với điểm chung là sự lúng túng trong kết nối các nguồn lực, điểm nghẽn nhất định trong đầu tư công và khả năng chủ động, sáng tạo của một số cấp ủy, chính quyền... Việc chậm tiến độ triển khai nâng cấp trang thiết bị cho một số nhà hát, khó khăn trong chuẩn hóa bộ máy, vận hành hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn đã một lần nữa bộc lộ điểm yếu về con người trong đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược”. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế: “Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất... Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí...”.
Có thể nói, phát triển văn hóa là nhiệm vụ luôn song hành cùng sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Việc ghi nhận thành công, nhận diện hạn chế, khắc phục điểm yếu để khơi thông nguồn lực là yêu cầu tất yếu. Những bài học sáng tạo, cụ thể trong các bài viết ở chuyên đề này sẽ minh họa sinh động hơn cho chặng đường thực hiện Chương trình 06 với mục tiêu nhất quán nêu trên.n
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.