Chính trị

Phát triển toàn diện, hướng tới xây dựng Hà Nội là thành phố thông minh

Khánh Ly 23/11/2023 - 21:11

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, thành phố Hà Nội đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Hoàn thành 18/23 nhiệm vụ

Trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2023, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát. Trong đó, thành phố đã hoàn thành 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, thành phố có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 34,4%, kế hoạch là 30%); tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý (đạt 30,9% - kế hoạch là 28,8%); số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm (130 trường được công nhận mới, 270 trường được công nhận lại - kế hoạch lần lượt là 81 trường và 50 trường).

Tổng thu ngân sách của thành phố năm 2023 dự kiến đạt 400.421 tỷ đồng, bằng 113,5% dự toán, tăng 20% so với năm 2022; tổng chi dự kiến 102.155,5 tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 48.600 tỷ đồng, đạt 103,5% dự toán đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 17,30 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 44,17 tỷ USD, tăng 8%.

Đáng chú ý, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố 10 tháng năm 2023 đạt hơn 4,9 triệu tỷ đồng; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng đầu năm chỉ tăng 1,51% (cùng kỳ tăng 3,51%, cả nước tăng 3,2%). Dự kiến cả năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố là 4,5%, đạt mục tiêu đề ra.

hntu-a-hai.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển. Thành phố đã tập trung nguồn vốn đầu tư cho 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ hoàn thành 1.005 công trình, trong đó có 382 công trình cấp thành phố và 623 công trình cấp quận, huyện. Chất lượng giáo dục của Thủ đô tiếp tục được giữ vững với nhiều học sinh đoạt giải cao ở trong nước và quốc tế. An sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, trong đó thành phố đã hỗ trợ 734 hộ thoát nghèo, vượt kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, thành phố đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, đổi mới khoa học công nghệ trong các cơ quan hành chính nhà nước. Gần 39.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho công dân Thủ đô để thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ số cải cách hành chính PAR-Index 2022 tăng 7 bậc, Chỉ số SIPAS tiếp tục giữ nguyên thứ hạng. Hà Nội đã thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế; tổ chức triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại 11 đơn vị.

Công tác quy hoạch và quản lý đô thị cũng đã được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Đáng chú ý, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được dự thảo, đang xin ý kiến hoàn thiện. Lĩnh vực xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị cũng được thành phố quan tâm đầu tư. Nổi bật là việc hoàn thành đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu vượt nút giao chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; khởi công đường Vành đai 4 vùng Thủ đô…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thành phố còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là việc 4/23 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; vẫn còn nhiều nhiệm vụ chậm tiến độ; các chỉ số PCI giảm 10 bậc, PAPI giảm 3 bậc so với năm trước… Tình trạng thiếu nước sạch; úng, ngập vẫn xảy ra tại một số địa phương, khu vực. Đáng chú ý, nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn thành phố còn tiềm ẩn và đã xảy ra một số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản...

9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm 2024

Từ những kết quả đã đạt được và những khó khăn đã được chỉ rõ, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Mục tiêu tổng quát được thành phố đặt ra là: Thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; hạ tầng số và công nghệ số; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh...; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển” của năm 2023.

t1-hntu-.jpeg
Quang cảnh hội nghị.

Thành phố đã dự kiến 24 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu nhiệm vụ sẽ triển khai thực hiện trong năm 2024. Trong đó: GRDP tăng khoảng 6,5-7,0%; CPI dưới 4%; GRDP/người khoảng 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%…

Từ những chỉ tiêu đã đặt ra, thành phố xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện. Trong đó, thành phố sẽ bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong mỗi nội ngành gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Song hành với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thành phố tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, SIPAS…

Thành phố cũng sẽ phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; trong đó tập trung phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thành phố thông minh…

Một trong những mục tiêu quan trọng mà thành phố sẽ triển khai thực hiện năm 2024 là thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thành quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục thực hiện quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…, qua đó nỗ lực hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao.

Hoàn thành đề án thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc

Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cập nhật quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe.

Thành phố cũng sẽ hoàn thành đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; đưa vào khai thác vận hành đoạn đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội…

Cùng với đó, thành phố sẽ nâng cao chất lượng, mở rộng vùng phục vụ, hợp lý hóa mạng lưới các tuyến xe buýt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, xây dựng hệ thống giao thông thông minh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển toàn diện, hướng tới xây dựng Hà Nội là thành phố thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.