Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Dự thảo Luật quy định nhiều nội dung nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành một trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
Giáo dục có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Vương Quốc Thắng nhận định, so với Luật Thủ đô hiện hành, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Ông Vương Quốc Thắng cho rằng, cần xác định đây là một trong những chính sách hàng đầu, vì giáo dục có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
“Tôi cho rằng, có một số nội dung cần phải chú trọng như là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh, cho phép liên kết giáo dục trực tiếp với các cơ sở giáo dục nước ngoài, ưu đãi về tài chính, chính sách giáo dục cần phải có những hướng đột phá”, ông Vương Quốc Thắng nói.
Gợi ý thêm một số quy định về lĩnh vực giáo dục đào tạo trong dự thảo Luật, ông Vương Quốc Thắng cho rằng, cần có chính sách thu hút những giảng viên, giáo viên giỏi ở các tỉnh đã nghỉ hưu tiếp tục được ký hợp đồng, làm việc ở một số trường công ở Hà Nội để nâng cao chất lượng và nâng cao số lượng giáo viên giỏi hàng đầu phục vụ cho phát triển giáo dục chung của Hà Nội.
“Đây là vấn đề Ban soạn thảo cần cân nhắc, bởi vì hiện nay, các trường tư đã thực hiện các chính sách này, liệu trong dự thảo Luật, trường công có cơ chế mở rộng hơn hay không”, ông Thắng đặt vấn đề.
Tán thành với việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành một trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, tuy nhiên, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần thiết thể hiện cho rõ hơn 4 nội dung.
Trong đó, quy định tổng thể về sứ mệnh, vai trò tiêu biểu, vị trí chiến lược hàng đầu và trách nhiệm lan tỏa của hệ thống giáo dục, đào tạo Thủ đô. Đồng thời, quy định rõ hơn về việc phát triển hệ thống giáo dục và trách nhiệm của thành phố trong quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục, bảo đảm tính hiện đại, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của người học, bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục bậc phổ cập và đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của người dân, có chính sách đào tạo nhân tài mạnh mẽ hơn.
“Cần quy định về những cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển giáo dục Thủ đô và phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội trong việc bảo đảm các điều kiện thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đó một cách khả thi”, bà Tuyết Nga nói.
Ngoài ra, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc khuyến khích xã hội hóa giáo dục, thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong phát triển giáo dục - đào tạo của Thủ đô. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách ưu tiên, ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo tương xứng với việc thu hút trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lượng hóa chỉ tiêu đầu tư, xây dựng hệ thống trường công lập
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài; HĐND thành phố quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học; UBND thành phố quy định bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của người học. Đây là những quy định nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các chuyên gia, đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh nêu quy định cho phép cơ sở giáo dục công lập của Thủ đô được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài, sau đó Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục chương trình giáo dục..., tuy nhiên, để bảo đảm tính phân cấp, phân quyền của dự thảo Luật, trình tự, thủ tục cần giao cho Hà Nội quy định.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho rằng, chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phải được thống nhất chung trong cả nước đối với từng cấp học và phải được giảm tải theo chủ trương, quy định của Trung ương. Thành phố Hà Nội chỉ cần tổ chức hiệu quả chương trình giáo dục ở địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành chung cả nước là đủ. Không nên giao thẩm quyền để đặt thêm hoặc tự đặt thêm, bổ sung vào chương trình của địa phương như dự thảo Luật đã đề ra.
Trong lĩnh vực giáo dục, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật chỉ quy định chung “đầu tư, xây dựng hệ thống trường công lập… phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô” mà không lượng hóa các yêu cầu về chỉ tiêu, tỷ lệ đáp ứng học sinh học tập trong hệ thống trường công lập là bao nhiêu phần trăm để góp phần giải quyết nhiều vấn đề bất cập, bức xúc tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn.
Dự thảo Luật đưa ra một số khái niệm chưa được sử dụng trong Luật Giáo dục như “cơ sở giáo dục chất lượng cao” nhưng chưa làm rõ tiêu chí để được công nhận “chất lượng cao” làm cơ sở cho việc xác định dự án được ưu đãi đầu tư theo quy định tại dự thảo Luật, hoặc quy định về “cơ sở giáo dục nước ngoài” nhưng chưa làm rõ hình thức liên kết, các loại hình cơ sở giáo dục nước ngoài được liên kết và việc công nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại đối với cơ sở giáo dục nước ngoài thực hiện liên kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.