Văn hóa

Phát triển thời trang bền vững dựa trên yếu tố truyền thống: Hướng đi tất yếu

Nhật Nam 30/07/2023 09:45

Với chủ đề Shaping The Future - Kiến tạo tương lai, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2023 vừa diễn ra đã truyền đi tinh thần phát triển thời trang Việt một cách bền vững dựa trên giá trị truyền thống. Đây cũng là điều mà nhiều thương hiệu thời trang Việt đang hướng đến để có được vị thế tốt hơn trên thị trường.

thoitrang.jpg
Nhà thiết kế Vũ Thu Phương gây ấn tượng khi dùng lụa Cổ Chất trong bộ sưu tập mới.

Thời trang và truyền thống

Nhà thiết kế, siêu mẫu Vũ Thu Phương vừa có màn trình diễn ấn tượng trên sân khấu Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2023 khi mang khung cửi 100 năm tuổi lên sàn diễn. Mẹ của siêu mẫu là công nhân một thời của nhà máy dệt Nam Định, đã được con gái mời lên sân khấu góp phần tái hiện công việc dệt lụa năm xưa. Tiếng thoi đưa nhịp nhàng được chọn làm âm thanh nền để tôn bước chân người mẫu. Đây cũng là bộ sưu tập được thiết kế trên chất liệu lụa truyền thống, lấy cảm hứng từ làng lụa Cổ Chất nổi tiếng vùng đất Nam Định. Ý tưởng độc đáo này đã giúp bộ sưu tập "Green Phoenix" của Vũ Thu Phương gây được ấn tượng đặc biệt. Vũ Thu Phương đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn cũng như công chúng. Độc giả Đỗ Quyên nhận xét: “Cảm ơn cô gái Nam Định Vũ Thu Phương đã đem nét văn hóa của dệt may Nam Định vào các sản phẩm. Nhìn mẹ của Vũ Thu Phương bên khung cửi lại nhớ đến hình ảnh các cô gái dệt trên tờ tiền mệnh giá 2.000 đồng”.

Không chỉ Vũ Thu Phương, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2023 cũng là nơi để các nhà thiết kế khác khẳng định khả năng biến hóa với chất liệu tự nhiên. Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa mang đến các thiết kế sử dụng lụa Mã Châu, organza, taffeta, sợi cọ raffia... Vũ Việt Hà sử dụng chủ yếu vải gai xanh Thiên Phước khi thực hiện bộ sưu tập “Nước đầu nguồn”. Còn Xuân Thu Nguyễn tận dụng nguồn nguyên vật liệu tái chế để thực hiện bộ sưu tập “In Alignment”. Nguyễn Minh Công cũng sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường là vải đũi, lãnh Mỹ A, lụa Tân Châu... cho “Về nhà Út ơi”.

Chủ đề thời trang bền vững được Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (AVIFW) theo đuổi qua nhiều năm. Nếu như ở các năm 2021 và 2022 là câu chuyện về sử dụng chất liệu tái chế (Re Fashion), hay đưa yếu tố văn hóa vào thời trang (Taste Of Heritage) với các bộ sưu tập sử dụng nguyên liệu tái chế từ tơ sen, thân tre, vỏ hàu, chai nhựa... thì năm nay là câu chuyện về chất liệu tự nhiên. Theo bà Trang Lê, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á kiêm chủ tịch Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, chủ đề Shaping The Future với các bộ sưu tập sử dụng chất liệu tự nhiên của Việt Nam đã một lần nữa gợi mở định hướng phát triển, đưa thời trang Việt trở thành một thị trường có sự phát triển lớn mạnh giống như những gì mà các quốc gia trên thế giới đã và đang làm.

Xu hướng chung

Không chỉ là sự thử nghiệm của những nhà tạo mẫu trên sân khấu của tuần lễ thời trang, hay cuộc chơi của dòng thời trang cao cấp, việc sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường cũng đang là xu hướng của thời trang ứng dụng. Nhiều nhãn hàng “made in Vietnam” đã đầu tư để mang đến cho khách hàng những chất liệu thân thiện với môi trường dù rằng các chất liệu chứa nhiều hoặc 100% thành phần tự nhiên có giá thành cao hơn hẳn so với chất liệu nhân tạo, và thường đòi hỏi sự cầu kỳ trong quá trình sử dụng, bảo quản.

Nhà thiết kế Hoàng Thanh Huyền, giám đốc thương hiệu thời trang Adore chia sẻ: “Việc sử dụng các chất liệu thân thiện môi trường là xu hướng nhưng cũng là thách thức lớn đối với các hãng thời trang bởi việc này cần có sự nghiên cứu rất nghiêm túc về thiết kế, sản xuất. Chẳng hạn với hãng thời trang Adore của chúng tôi, thách thức đầu tiên liên quan tới mảng nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chất liệu tự nhiên cần có sự đầu tư thiết kế phong cách phù hợp. Chất liệu này có đặc tính mềm mại hoặc khô cứng một cách rất tự nhiên, nên việc dựng form dáng, sử dụng chi tiết thêu phù hợp đặc thù chất liệu như thế nào cũng là bài toán cần giải. Việc nghiên cứu form dáng còn nhằm khắc phục những hạn chế của chất liệu như dễ rạn, rách, ít co giãn... nâng cao tính ứng dụng phù hợp với cuộc sống ngày càng năng động, phóng khoáng của cộng đồng. Bên cạnh đó, bộ phận marketing cần có những nội dung truyền thông nhằm định hướng người tiêu dùng, phải làm sao đó để khách hàng không cảm thấy xa lạ với chất liệu, sẵn sàng chấp nhận nhược điểm của chất liệu, cùng thương hiệu hướng tới sứ mệnh bảo vệ môi trường và sự an toàn cho sức khỏe của mình và gia đình”.

Để tăng tính cạnh tranh và không đứng ngoài dòng chảy của thời trang thế giới, việc phát triển thời trang bền vững không còn là lựa chọn, mà phải được xác định là nhiệm vụ của các thương hiệu thời trang Việt Nam. “Các thương hiệu thời trang Việt Nam mong muốn phát triển bền vững đều chú trọng nâng cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, ưu tiên sử dụng chất liệu tự nhiên là điều tất yếu” - nhà thiết kế Thanh Huyền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thời trang bền vững dựa trên yếu tố truyền thống: Hướng đi tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.