Sáng 29-7 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ ở nước ngoài tháng 7-2024.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), giá trị toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh thông tin, thông qua “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ” của Thủ tướng Chính phủ, Cục Công nghiệp đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; kết nối với các tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng lớn trên thế giới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI…
Tuy nhiên lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng nhìn nhận, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…
Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng.
Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, nửa đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 20 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, sản phẩm dệt may xuất khẩu sang 113 nước với thị trường chính là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ngành đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu. Để gia tăng xuất khẩu dệt may thời gian tới, ông Cẩm đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại... nhằm định hướng cho doanh nghiệp.
Ông Trương Văn Cẩm nêu ví dụ các doanh nghiệp dệt may quan tâm việc Banglades có cơ chế gì cho sản xuất xanh và làm thế nào để giảm chi phí sản xuất thấp hơn ta 15-20%. Hay tình hình kinh tế thế giới biến động nhiều mặt tác động tới nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may ra sao, quy mô cụ thể thế nào?
Cũng tại hội nghị các diễn giả đã tập trung thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, kế hoạch phát triển thị trường và các nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp…
Đại diện các thương vụ Việt Nam đã trao đổi, giải đáp những vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó hỗ trợ địa phương, ngành hàng, thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo trọng tâm và có hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.