Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển sao nhí: Đừng để trẻ phải chịu tổn thương

An Định| 26/06/2021 14:41

(HNMCT) - Sự nở rộ của các sân chơi truyền hình dành cho thiếu nhi góp phần đưa rất nhiều em nhỏ lên “bệ phóng” thành sao. Nhưng hành trình đào tạo, quản lý một ngôi sao nhí không đơn giản, đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tế, có thể gây tổn thương lớn cho các em.

Việc bùng nổ các gameshow dành cho thiếu nhi làm dấy lên mối lo ngại về áp lực mà các em phải chịu khi tham gia vào lĩnh vực biểu diễn.

Giải trí hay “tạo sao”?

Việc nở rộ sân chơi truyền hình dành cho thiếu nhi trong khoảng một thập niên trở lại đây đã tạo nên không khí sôi động cho việc săn tìm các tài năng nhí. Sân chơi cho các em được tổ chức rất đa dạng, gồm cả thi năng khiếu, thi kiến thức và vận động nhưng chủ yếu tập trung vào khai thác kỹ năng ca hát, nhảy múa. Đáng kể là những cuộc thi như “Đồ rê mí”, “Thần tượng âm nhạc nhí”, “Giọng hát Việt nhí”... hay các sân chơi “Nhanh như chớp nhí”, “Nhà thiết kế tương lai nhí”, “Siêu tài năng nhí”, “Hãy nghe tôi hát nhí”, “Ngôi sao nhí”...

Sự xuất hiện của nhiều gameshow dành cho thiếu nhi trong một thời gian dài cho thấy nhu cầu rất lớn của cả người xem và người tham gia. Điều này càng được khẳng định khi số lượng kênh YouTube dành cho thiếu nhi và có thiếu nhi tham gia diễn xuất tăng không ngừng với nhiều kênh đạt được “Nút vàng”, “Nút bạc” YouTube. Nhiều sân chơi trong số đó tạo ra cơ hội cho các em được trải nghiệm, khám phá năng lực bản thân, mang đến cho người xem những phút giây giải trí thú vị. Chia sẻ về hành trình trưởng thành từ sân chơi “Giọng hát Việt nhí”, Phương Mỹ Chi, Á quân cuộc thi mùa thứ nhất cho rằng: "Việc tham gia các hoạt động trong ngành giải trí từ sớm là một mảng ký ức đặc biệt của em”.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh theo đuổi ước mơ biến trẻ em thành sao thông qua các sân chơi truyền hình, tạo kênh YouTube, Tiktok... do sự hấp dẫn quá lớn của hào quang và tiền bạc. Số lượng trung tâm đào tạo nghệ thuật cho thiếu nhi với thành viên sáng lập là các nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, cho thấy sự định hướng sớm của các bậc phụ huynh trong việc đưa con em mình vào hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Thậm chí, nhiều công ty quản lý “tài năng nhí” đã ra đời với mục tiêu dẫn dắt các em từng bước vào ngành công nghiệp giải trí, như Jet Studio, Công ty MCV, Công ty quản lý các tài năng nhí 1998 Entertainment...

Cần sự quan tâm đặc biệt

Vừa qua, dư luận đặc biệt chú ý đến những chuyện lùm xùm trong gia đình ca sĩ Phi Nhung, đặc biệt là chuyện quản lý tiền bạc của con nuôi - quán quân “Thần tượng âm nhạc nhí 2016” Hồ Văn Cường. Theo thông tin do phía ca sĩ Phi Nhung cung cấp thì toàn bộ tiền cát xê của Hồ Văn Cường thời gian qua hiện do quản lý của ca sĩ Phi Nhung giữ, được dùng để chi trả các chi phí sinh hoạt, học tập của Hồ Văn Cường.

Thực tế, có nhiều gia đình khá lên trông thấy nhờ vào việc có con là “sao nhí”. Trong một bài trả lời phỏng vấn, ca sĩ Quang Lê, cha nuôi của ca sĩ Phương Mỹ Chi xác nhận cát xê của một sao nhí "hot" hiện ở mức 50 - 70 triệu đồng/show; với Phương Mỹ Chi có lúc lên tới 100 triệu đồng/show. Nam ca sĩ chia sẻ, toàn bộ số tiền có được của Phương Mỹ Chi do mẹ cô quản lý và Phương Mỹ Chi đã giúp đỡ gia đình rất nhiều về tiền bạc.

Qua hai trường hợp nói trên, dư luận đặt câu hỏi về việc quản lý số tiền mà các tài năng nhí kiếm được. Cần làm gì để các em không phải trở thành lao động chính từ quá sớm hoặc bị tổn thương trước những lời công kích liên quan đến tiền bạc?

Luật sư Lê Duy Hà, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Dũng cho biết: “Có hai vấn đề đặt ra ở đây. Thứ nhất: Các em có quyền tham gia quan hệ lao động và chỉ được làm những công việc phù hợp với quy định của pháp luật. Theo Khoản 1 Điều 144 Bộ Luật Lao động (2019): “Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách”, và theo “Danh mục công việc được quy định tại Thông tư 09/2020 của Bộ LĐ-TB-XH về lao động chưa thành niên”, các em được tham gia các công việc nhẹ như biểu diễn nghệ thuật, vận động viên thể thao, lập trình phần mềm... Như vậy, việc các "sao nhí" tham gia biểu diễn và được nhận cát xê là phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai: Các em có quyền có tài sản riêng, việc quản lý, định đoạt tài sản riêng của người chưa thành niên cũng được quy định cụ thể tại Bộ Luật Dân sự (2015), Luật Hôn nhân và gia đình (2014) và không ai có quyền xâm phạm đối với quyền tài sản này. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng đặc biệt, một đứa trẻ nổi tiếng từ sớm cần có sự quan tâm đặc biệt về giáo dục, tâm lý, nhân cách... để phát triển lành mạnh. Đừng để các em phải chịu áp lực kiếm tiền, lao động quá sớm vì lo cho bản thân hay gia đình”.

Trên thế giới có nhiều "sao nhí" kiếm được số tiền khổng lồ nhưng sau đó lại trắng tay và không phát triển được bởi gia đình không giữ được tài sản cho họ đến khi trưởng thành. Diễn viên Jackie Coogan từng đóng chung với huyền thoại Charlie Chaplin trong phim "The Kid" là một điển hình. Đến mức sau vụ việc của ông, năm 1939, một bộ luật mang tên “Luật Coogan” đã ra đời ở Mỹ, tạo cơ sở pháp lý trong việc bảo hộ các khoản thu nhập của các "sao nhí".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sao nhí: Đừng để trẻ phải chịu tổn thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.