Kinh tế

Phát triển sản xuất công nghiệp:Trụ cột để Hà Nội tăng tốc, bứt phá

Thanh Hiền 17/02/2025 - 06:27

Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên và phấn đấu tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục được xác định là trụ cột quan trọng, sẽ phải tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ.

sx-cn1.jpg
Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai).

Tự tin bước vào năm 2025

Số liệu của Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp của tháng 1-2025 ước tính giảm 15,2% so với tháng 12-2024 và giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm lần lượt 16,7% và 9,8%. Sở Công Thương Hà Nội lí giải, tháng 12-2024 là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ nên chỉ số sản xuất tăng mạnh. Tháng 1-2025 trùng với đợt nghỉ Tết Nguyên đán, số ngày làm việc ít hơn nhiều. Vì thế, dù số liệu cho thấy mức giảm nhưng xu hướng phục hồi của sản xuất công nghiệp vẫn là chủ đạo và sản xuất công nghiệp tiếp tục là trụ cột, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế Hà Nội trong năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp quý sau luôn cao hơn quý trước; 4/4 ngành công nghiệp cấp 1 đều tăng mạnh so với năm 2023. Đặc biệt, số lượng đơn hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tăng khá. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,2%, đóng góp 0,82 điểm % vào mức tăng 6,52% của tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Trong năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 6,95% trở lên, từ đó gia tăng mức đóng góp vào GRDP.

Phân tích thêm, các chuyên gia đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô tăng mạnh cho thấy đơn hàng xuất khẩu gia tăng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều đó có nghĩa, muốn đạt tăng trưởng kinh tế cao, sản xuất công nghiệp sẽ phải tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ.

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh với kỳ vọng thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra trong năm. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho biết, đơn vị đã thỏa thuận hợp đồng đến hết quý II-2025 và bảo đảm việc làm cho người lao động đến cuối năm.

Tương tự, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Rapido ASEAN Lê Văn Quân thông tin, ngay sau kỳ nghỉ Tết, 100% cán bộ, công nhân trở lại làm việc để kịp trả các đơn hàng trong nước và xuất khẩu đã ký kết. "Năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhất là những đối tác có tiêu chuẩn cao như thị trường Mỹ", ông Lê Văn Quân tự tin nói.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp sản xuất đã có đơn hàng ký kết đến năm 2026. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp VCONNEX Bùi Trường Thi cho hay, số lượng đơn hàng tính đến năm 2026 của VCONNEX có giá trị hàng trăm tỷ đồng, với tăng trưởng doanh thu 200-300%.

Khí thế sản xuất thực sự đã tạo động lực để cộng đồng doanh nghiệp tự tin bước vào năm 2025, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư

sx-cn2.jpg
Dây chuyền sản xuất linh kiện cho các sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH INOAC Việt Nam ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam

Thực hiện nghị quyết của Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội là hơn 8%, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 03/CTr-UBND xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030, trong đó mục tiêu tăng trưởng đạt hai con số.

Nhận định về mục tiêu này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân cho rằng, đây là mục tiêu tăng trưởng khả thi đối với Thủ đô. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP hơn 8%, theo ông Nguyễn Vân, rất cần các cấp, ngành thành phố có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư dự án công nghiệp lớn nhằm gia tăng năng lực sản xuất.

"Thành phố nên tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang xây dựng các tổ hợp nhà máy ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành hạ tầng; phát huy chức năng của “Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp” đã hoạt động rất hiệu quả từ năm 2023", ông Nguyễn Vân nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên là rất cần thiết trong bối cảnh Hà Nội và cả nước cần tăng tốc phát triển. Muốn vậy, việc tạo lập niềm tin, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vô cùng quan trọng. “Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp, đặc biệt tập trung cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, sửa đổi, bãi bỏ quy định không cần thiết, không để phát sinh thủ tục mới làm tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp là cách tạo lập niềm tin và động lực phát triển”, bà Nguyễn Kiều Oanh nêu.

Theo đại diện Sở Công Thương, thành phố Hà Nội sẽ lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là lĩnh vực nền tảng, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Thành phố tiếp tục kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước… Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất hướng đến việc thúc đẩy ngành công nghiệp tăng tốc, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản xuất công nghiệp: Trụ cột để Hà Nội tăng tốc, bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.