(HNMO) - Báo cáo về công tác xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn, Bộ Xây dựng cho biết, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay mới đạt 7,79 triệu mét vuông sàn nhà ở, đạt 62,3% so với mục tiêu đặt ra là 12,5 triệu mét vuông. Trong đó, nhà ở công nhân đã hoàn thành là 3,13 triệu mét vuông; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu mét vuông.
Lý giải nguyên nhân công tác phát triển nhà ở chưa đạt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra 2 nguyên nhân chính. Một là, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội; việc dành quỹ đất 20% thuộc các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa được thực hiện triệt để hoặc chưa được sử dụng đúng mục đích; thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn; nhiều khu công nghiệp được hình thành, nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân; địa phương chưa quan tâm đúng mức tới việc hỗ trợ chủ đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội theo quy định.
Hai là, mặc dù Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên, các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê. Ngoài ra, ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cụ thể, vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2022 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu 2 nhóm giải pháp cụ thể. Một là, hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan, trong đó sửa đổi các cơ chế, chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước...
Hai là, về phía các bộ, ngành, địa phương, cần tập trung, nghiêm túc thực hiện Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 10-8-2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững và Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” (hiện đã được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ).
Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 3-11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, trong đó có việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.