(HNM) - Đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thực phẩm và sử dụng có hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp là hướng đi tất yếu, nhằm phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. Để làm được điều này, phát triển nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng.
Hướng đi tất yếu
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Nâng cao năng suất; biến đổi khí hậu; sâu bệnh; hệ thống tưới tiêu, giám sát sức khỏe đất và cây trồng… Việc ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, thân thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có… được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm của ngành Nông nghiệp.
Các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp gồm: Cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, tin học hóa... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Hiện, nhiều địa phương, doanh nghiệp lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, với các công nghệ: Sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa…
Với thế mạnh về khoa học - công nghệ, nguồn lực, hệ thống cơ chế chính sách, những năm gần đây, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều mô hình ở lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất đáng ghi nhận, như: Mô hình sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức), sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm)... Điều đó cho thấy, nông dân và doanh nghiệp Thủ đô đã tận dụng, phát huy tốt lợi thế, tạo ra nông sản chất lượng, góp phần mang đến hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, khi sản xuất không đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, sự gắn kết giữa khoa học - công nghệ và hoạt động sản xuất, kinh doanh còn vướng mắc… Bên cạnh đó, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đều. Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường kéo dài...
Mặt khác, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn có trình độ chuyên môn tốt. Tuy nhiên, tình trạng “khát” nhân sự, chảy máu chất xám, quy mô và chất lượng đào tạo... chính là những vấn đề nan giải, cần tháo gỡ.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, phát triển sản xuất trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao đã và đang tạo động lực mới cho ngành Nông nghiệp Thủ đô. Song, ngoài khó khăn chung do thiên tai, dịch bệnh, thì bản thân việc ứng dụng công nghệ cao cũng đang có những thách thức nội tại. Triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất trên quy mô tương đối lớn và phải đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ…
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp; thành phố thiếu quỹ đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ theo vùng sản xuất tập trung. Mặt khác, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, không ổn định..., chưa kể đến những bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đặc biệt là nguồn nhân lực còn hạn chế.
Chú trọng yếu tố con người
Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao chạy đua với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một trong những yêu cầu cấp bách là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cần được nâng cao hơn nữa. Hiện, có khoảng 8.000 người làm công tác nghiên cứu khoa học tại các viện, trường trong cả nước, nhưng vẫn thiếu cán bộ lãnh đạo giỏi, cán bộ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu.
Không những thế, lực lượng nghiên cứu viên cao cấp đang bị già hóa, thế hệ kế cận chưa kịp phát triển, số người bỏ việc ra làm doanh nghiệp tăng do nhận được chế độ đãi ngộ tốt hơn. Bên cạnh đó, đa phần nguồn nhân lực cho chuyển giao công nghệ nông nghiệp không được đào tạo bài bản, không được cập nhật kiến thức mới thường xuyên. Cán bộ khuyến nông cấp cơ sở (cấp xã) và bán chuyên trách (cấp thôn, bản) có chế độ đãi ngộ thấp, chưa yên tâm công tác.
Theo GS.TS Phạm Văn Cường, trong nông nghiệp, việc đào tạo nhân lực công nghệ cao phải gắn với nhiệm vụ ứng dụng phát triển công nghệ cao, bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu nhân lực, sử dụng hiệu quả và đãi ngộ thỏa đáng.
“Thời gian tới, cần tập trung giải quyết một số vấn đề như: Trong nghiên cứu cũng như đào tạo cần phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực công nghệ cao chủ chốt; hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các nhà trường; xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo lại nhân lực công nghệ nông nghiệp từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau; tăng cường liên kết trong đào tạo đổi mới sáng tạo nông nghiệp...”, GS.TS Phạm Văn Cường bày tỏ quan điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.