Là huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện lên quận, nền nông nghiệp của Đông Anh có đặc thù riêng, đó là nền nông nghiệp hiện đại, theo chuỗi với các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển dịch vụ, bảo vệ môi trường.
Tận dụng vùng đất bãi màu mỡ ven sông Hồng, anh Vũ Văn Lực đã xây dựng thành công mô hình trồng nho hạ đen gắn với phát triển du lịch tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.
Theo anh Vũ Văn Lực, vùng bãi khá kén chọn cây trồng, chỉ phù hợp với rau màu và cây ăn quả, nhưng nếu đơn thuần chỉ canh tác các giống cây đó thì không hiệu quả. Chính vì vậy, từ năm 2020 anh đã mạnh dạn thuê hơn 4ha đất bãi xây dựng mô hình trồng nho hạ đen gắn với du lịch sinh thái.
Đất vùng bãi khá phù hợp với cây nho, nhưng để vừa có sản phẩm, vừa tạo không gian du lịch, thì cần phải sản xuất sạch và “bắt mắt” mới thu hút được du khách.
“Với quy mô 4ha, tôi đã dành 2,5ha để trồng nho, gồm có 5 giống nho chủ đạo và 20 giống nho đang trồng thử nghiệm. Các giống nho ở đây chủ yếu là nho đen không hạt của Nhật Bản, có đặc tính phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Diện tích đất còn lại, tôi xây dựng hạ tầng để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm…”, anh Lực chia sẻ.
Về hiệu quả kinh tế, anh Lực cho hay, hiện nay, nho thương phẩm có giá bán từ 50.000 đến 180.000 đồng/kg; còn khách tham quan và hái nho tại vườn thì giá lên tới 200.000 đồng/kg, đã bao gồm cả vé vào thăm, chụp ảnh. Nho có hai vụ thu hoạch chính, một vụ từ tháng 5 đến tháng 7 và một vụ từ tháng 10 đến tháng 12. Đây cũng là những thời điểm nho chín rộ nhất và du khách đến đông nhất.
Tương tự, xã Cổ Loa đã xây dựng thành công mô hình trồng hoa sen, hoa súng gắn với du lịch sinh thái. Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Loa Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, Cổ Loa là vùng đất của di tích lịch sử, văn hóa, nên việc lựa chọn mô hình phát triển phải gắn với bảo tồn không gian và phù hợp để phát triển. Với tinh thần đó, từ năm 2019 đến nay, mô hình trồng hoa sen, hoa súng đã được hình thành và phát triển. Đến nay, các đầm hoa sen, hoa súng tại xã Cổ Loa đã trở thành điểm bán hàng, nhiều người mua về trồng trong hồ cá hay trang trí ở các khu nghỉ dưỡng, biệt thự... Ngoài ra, người dân còn ướp chè sen để bán. Đặc biệt, vào dịp hoa nở, nơi đây thu hút hàng nghìn du khách đến thăm, chụp ảnh.
Về các mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng đánh giá, do huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện lên quận và quy hoạch trở thành thành phố trong tương lai, nên Đông Anh đã tập trung vào xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái. Đây là mô hình phù hợp để phát triển trong lòng đô thị, đồng thời giúp người dân phát huy nguồn lực từ đất đai một cách hiệu quả nhất.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 40 mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Một số chuỗi tiêu biểu có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Huyện đã yêu cầu các xã thống kê diện tích bãi bồi ven sông để từ đó có hình thức quản lý cũng như phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Hải Đăng thông tin, Đông Anh có tổng diện tích đất nông nghiệp công ích, đất nông nghiệp công, đất bãi bồi, ven sông là 1.335,96ha với khoảng 1.516 khu đất. Trong đó có 419 khu đất, với diện tích 612,9ha phù hợp quy hoạch; khoảng 268 khu đất, với 281,6ha có một phần phù hợp, một phần không phù hợp quy hoạch… Thời gian tới, huyện sẽ rà soát, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái đúng với quy hoạch, phát huy được tiềm năng của vùng đất bãi.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy, hỗ trợ cho các mô hình nông nghiệp sinh thái, huyện Đông Anh còn tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại. Huyện cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, tập huấn để người dân, các tổ chức hiểu nông nghiệp sinh thái là mô hình tất yếu Đông Anh phải xây dựng ở hiện tại và tương lai. Bởi vì, mô hình này chú trọng chọn lọc các loại cây trồng, vật nuôi, đất, nước… và cảnh quan nông nghiệp để tăng cường quan hệ cộng hưởng trong bối cảnh khí hậu ngày càng biến đổi. Đây là hướng phát triển nông nghiệp của Đông Anh trong giai đoạn tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.