(HNM) - Dự thảo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội (Chương trình số 04) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đang được lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện. Với nhiều nội dung mới, Chương trình số 04 được kỳ vọng tiếp tục mang đến sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ cho khu vực nông thôn của Thủ đô.
Thêm nhiều điểm mới
Chương trình số 04 là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội được xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đây là chương trình lớn tập trung cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nối tiếp thành công từ quá trình thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, nhưng chỉ tiêu đặt ra cao hơn, có thêm nhiều điểm mới.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Dự thảo Chương trình số 04 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thành phố có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 3 huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô. Đến năm 2025, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên; không còn hộ nghèo, không còn hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt 100%…
Đáng chú ý, Chương trình số 04 đặt ra vấn đề mới là tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững. Hà Nội phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2025 đạt từ 50% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Điểm mới nữa là các nội dung về hợp tác xã, kinh tế trang trại, ngành nghề, làng nghề nông thôn... đã được đưa cụ thể vào Chương trình số 04. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 370 làng nghề được UBND thành phố công nhận và có ít nhất 5 làng nghề có tiềm năng phát triển kết hợp với du lịch. Dự thảo chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 85% hợp tác xã đạt loại khá, tốt. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội phấn đấu sẽ đánh giá, phân hạng mỗi năm được 400 sản phẩm OCOP trở lên; phát triển 1 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định hỗ trợ hàng xuất khẩu...
Tạo nguồn lực để phát triển mạnh mẽ
Nội dung dự thảo Chương trình số 04 của Thành ủy cho thấy có nhiều khác biệt so với Chương trình số 02-CrT/TU đã thực hiện ở giai đoạn trước, nên cần có hướng tiếp cận mới để tạo nguồn lực phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Bạch Liên Hương cho rằng, việc đặt vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn phải làm rõ từng nội hàm để triển khai bảo đảm hiệu quả trong thực tế.
Về vấn đề cơ chế, chính sách để thực hiện, theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến, triển khai Chương trình số 02-CrT/TU giai đoạn trước, UBND thành phố đã có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND “Quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016” giúp các địa phương đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất... Vì vậy, để triển khai hiệu quả Chương trình số 04 cũng rất cần những chính sách hỗ trợ tương tự. Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười nhận định: Khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật sẽ mở "cánh cửa" cho sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao....
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Tiến Thiết thông tin: Theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ dành nguồn vốn đầu tư phát triển toàn thành phố tăng khoảng 180% so với giai đoạn trước. Do đó, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng sẽ được Sở Tài chính tính toán để tham mưu cho thành phố ở mức cao hơn.
Liên quan đến chỉ tiêu về số xã, huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều ý kiến cho rằng, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy cần giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, trên cơ sở đó, mỗi đơn vị xây dựng kế hoạch, xác định quyết tâm thực hiện.
Cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, Sở NN&PTNT cần rà soát kỹ các chỉ tiêu, tiếp thu, hoàn chỉnh các văn bản theo ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo. Nội dung Chương trình số 04 cần tập trung đánh giá những thành tựu nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới các giai đoạn trước; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Cùng với đó, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành... xây dựng các chuyên đề, đề án, kế hoạch cụ thể hóa chương trình, nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất dự kiến nguồn lực thực hiện..., để chương trình được ban hành phù hợp, sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.