Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển mạng xã hội của người Việt: Tạo cơ chế “mở”

Việt Nga| 20/04/2019 08:30

(HNM) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra là xây dựng mạng xã hội của người Việt Nam do người Việt làm chủ.


Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018 doanh thu quảng cáo số tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 550 triệu USD. Trong đó, hai mạng xã hội nước ngoài chiếm 67%: Facebook đạt 235 triệu USD, Google (YouTube) đạt gần 133 triệu USD. Thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nội dung số, truyền hình và báo điện tử trong nước. Điều này cho thấy, cả hai nền tảng mạng xã hội nước ngoài nêu trên không sản xuất nội dung, nhưng lại chiếm thị phần quảng cáo trực tuyến lớn ở nước ta. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước sản xuất được nội dung, nhưng lại không có nền tảng mạnh, nên hầu như không thể phát triển...

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin phân tích: Theo xu hướng phát triển, Facebook và các mạng xã hội sẽ không thoát khỏi vòng luân hồi "sinh - lão - bệnh - tử" của công nghệ. Vì thực tế, không có một công nghệ nào có thể sống mãi mà luôn có những công nghệ mới thay thế, như Yahoo Blog 360 độ đã bị "khai tử" khi mạng xã hội phát triển. Trong khi đó, quá trình hoạt động, Facebook đang bộc lộ hạn chế như tin giả, tin sai,... làm ảnh hưởng tới người dùng nói riêng, cộng đồng nói chung. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia khu vực châu Âu, châu Mỹ, đã bắt đầu "siết" quản lý với Facebook, Google.


Còn ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam cho rằng: Việc xây dựng mạng xã hội của người Việt là rất cần thiết vì trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu online của xã hội, vừa góp phần xây dựng văn hóa, văn minh vừa là môi trường tương tác cho người Việt Nam và người nước ngoài quan tâm Việt Nam. Cùng với đó, phát triển mạng xã hội của người Việt cũng là phương thức tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D), sáng tạo, phát triển công nghệ.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông số (VC Corp) cho biết: Các chính sách mà cơ quan quản lý đang áp dụng là "bảo hộ ngược". Cụ thể, trong khi Facebook, Google không phải nộp bất cứ khoản thuế nào thì doanh nghiệp nội dung số trong nước phải nộp 4 loại thuế, phí. Cả Facebook và Google hoạt động tại Việt Nam không có giấy phép, nhưng doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phải có giấy phép với điều kiện là những quy định... đã cũ từ cách đây 10 năm... Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo chính sách để cả mạng xã hội nước ngoài và doanh nghiệp nội dung số Việt Nam hoạt động bình đẳng. Việc thay đổi chính sách quản lý với mạng xã hội trong nước bắt đầu từ khâu thực thi chính sách. Vì để tồn tại các mạng xã hội, phải đáp ứng được nhu cầu người dùng. Do đó, việc quy định các tiêu chuẩn chung là rất cần thiết để doanh nghiệp có biện pháp ngăn chặn...

Đồng tình quan điểm này, ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh: Cơ quan quản lý nên chú ý một số nguyên tắc trong quản lý mạng xã hội, đó là bảo đảm chất lượng sử dụng; tôn trọng và bảo vệ quyền cá nhân; bảo đảm an ninh, an toàn; đặc biệt, không can thiệp, chỉ điều tiết thông qua quy định pháp lý. Tuy nhiên, để các mạng xã hội trong nước tồn tại được, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế. Vì nếu Nhà nước không hỗ trợ thì mạng xã hội trong nước sẽ thất bại trước các mạng xã hội nước ngoài, không thể tồn tại được chứ chưa nói là cạnh tranh. Tuy nhiên, những ưu đãi này không được vi phạm cam kết quốc tế.

Về chính sách pháp lý cho mạng xã hội trong nước, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thí điểm áp dụng khung thử nghiệm chính sách (sandbox) cho các mạng xã hội trong nước hoạt động. Mục tiêu đến năm 2020, các mạng xã hội Việt Nam có tổng số lượng người dùng bằng các mạng xã hội nước ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mạng xã hội của người Việt: Tạo cơ chế “mở”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.