Chuyển đổi số

Phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi20/06/2023 15:38

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, báo chí cần có giải pháp mang tính đột phá.

Chuyển đổi số trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Có thể hiểu một cách đơn giản, Cách mạng công nghiệp 4.0 là môi trường mà máy tính, tự động hóa và con người cùng nhau làm việc theo một cách hoàn toàn mới. Nói một cách khác, đó là một cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ, mà ở đó, các hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo. Đây là lý do mà nhiều người gọi Cách mạng công nghiệp 4.0 là một “nhà máy thông minh”, những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong Cách mạng công nghiệp 4.0 là trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

hnm05.jpg

Thực tế cho thấy, AI ngày càng phát triển và đang được sử dụng để thay thế cho con người trong nhiều lĩnh vực. Vậy, chuyển đổi số và AI ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của báo chí hiện đại, nhất là phát triển kinh tế báo chí? AI có thay thế nhà báo? Đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng, song thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới đặt ra không ít thách thức, khiến các cơ quan báo chí phải “oằn mình” chống chọi với các "thế lực" đến từ mạng xã hội (MXH).

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Đại học Oxford - Anh) vào đầu năm 2022 cho thấy, hơn 80% lãnh đạo tòa soạn báo ở nước này lo ngại việc phóng viên bị quá tải; việc tuyển dụng và giữ chân phóng viên có năng lực là vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh đó, AI sẽ có vai trò như những người giúp việc, giảm bớt gánh nặng cho phóng viên, biên tập viên. Ví dụ, sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản sẽ tiết kiệm được khoảng thời gian bóc băng ghi âm của phóng viên… Và, một điều không ai có thể phủ nhận là trong bối cảnh chuyển đổi số, người làm báo luôn phải sản xuất nội dung trên nền tảng hiểu biết căn bản về báo chí. Nếu bỏ qua nền tảng đó, nhà báo chỉ có “ngọn” mà mất cái “gốc”. Chuyển đổi số đã và đang tạo ra cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức đối với báo chí, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế báo chí truyền thông hiện nay.

“Không gian mới” để phát triển kinh tế báo chí

Theo nghiên cứu về kinh tế báo chí, MXH là lựa chọn tất yếu của sự phát triển kinh tế báo chí hiện đại - cả trong lý thuyết và thực tiễn. Pageview (số lượt xem) của mỗi tin, bài báo điện tử một thời từng được coi là thước đo đánh giá hiệu quả truyền thông, song hiện nay, nhiều tòa soạn chú trọng hơn đến chỉ số tương tác qua MXH, bao gồm cả số lần “like” (thích), “comments” (các bình luận) hay số lần được “share” (chia sẻ). Điều đó cho thấy, số lượng truy cập từ MXH ngày càng trở nên quan trọng, là thước đo về nguồn thu của cơ quan báo chí điện tử. Trong thực tế, một tin, bài đăng trên báo điện tử không chỉ nhắm đến độc giả đích, mà còn hướng đến bạn bè của nhóm độc giả đó. Chỉ có như vậy, các tác phẩm báo chí mới dễ dàng được chia sẻ và tiếp tục được lan truyền trên môi trường truyền thông internet.

MXH giữ vai trò mở rộng “không gian thông tin”, tạo uy tín cho cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Thông thường, các tin, bài viết của phóng viên được đăng tải trên các cơ quan báo chí, tuy nhiên, do khuôn khổ hoặc thời gian có hạn, nhà báo có thể đăng các nội dung bên lề sự kiện hoặc thông tin có liên quan lên trang MXH của tòa soạn, bổ sung, mở rộng và giúp bản tin trở nên phong phú và có chiều sâu hơn.

MXH sẽ giúp cơ quan báo chí mở rộng công chúng mục tiêu. Đối với các sự kiện lớn xảy ra bất ngờ, việc nắm bắt và tìm hiểu thông tin sớm nhất là nhu cầu hàng đầu của công chúng. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các hãng truyền thông ngày càng gay gắt, MXH có thể đáp ứng nhu cầu muốn “nhanh” của công chúng, giúp các hãng truyền thông có thể đi đầu trong “trận địa” thông tin và có thể thông qua MXH liên tục đưa tin về sự tiến triển của sự kiện.

Có thể khẳng định, MXH đã và đang tạo ra một không gian phát triển mới, khiến báo chí truyền thống phải thay đổi để giữ chân độc giả. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, MXH có lợi thế hơn báo chí truyền thống, tuy nhiên, báo chí vẫn có chỗ đứng vững chắc trong “trận địa” thông tin mở như hiện nay nếu duy trì được chất lượng, coi nội dung là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng”, đồng thời kết hợp được tính ưu việt mà MXH đem lại.

Phát triển kinh tế báo chí số

Hiện nay, thị trường quảng cáo đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo, đài vì phần lớn báo chí dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu. (Theo kết quả khảo sát năm 2022, 63 báo Đảng địa phương, có tới 91% trong số được hỏi có nguồn thu từ quảng cáo; 78% có nguồn thu từ phát hành; chỉ 9% có nguồn thu từ tổ chức sự kiện và 7% báo có nguồn thu từ nội dung số).

Theo lý thuyết kinh tế học báo chí, các sản phẩm báo chí truyền thông có tính “song trùng”, tức là được bán hai lần - một là bán cho công chúng, hai là bán cho nhà quảng cáo. Nói một cách khác, các cơ quan báo chí hoạt động trong môi trường “song sản phẩm”. Do đó, để phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, có thể tham khảo một số gợi ý như sau:

Thứ nhất, nội dung là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng”. Đây là yếu tố then chốt. Với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các “thế lực” truyền thông xã hội, một cơ quan báo chí có nội dung tốt nhưng không có nền tảng công nghệ hiện đại thì khó thu hút được quảng cáo. Do đó, chúng ta không chỉ quan tâm tới “nội dung là vua”, mà cần thay đổi tư duy, coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan báo chí trên thế giới đã đưa ra triết lý làm báo mới: Nội dung và công nghệ phải song trùng. Công nghệ là “Nữ hoàng”, “công chúng là số 1”.

Thứ hai, về vấn đề “xin và chạy” quảng cáo. Trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo không còn bị “nhốt” trong quan niệm “kiếm thêm”, mà là nguồn thu chính để báo chí tồn tại. Hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng đội ngũ làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp, tránh hiện tượng núp bóng nhà báo để “xin” quảng cáo, có như thế thì mới có thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững, tránh rủi ro không đáng có.

Thứ ba, tái cấu trúc hoạt động kinh tế báo chí. Ngày nay, do báo in đang bị “thế lực” MXH "tấn công" và khiến số lượng phát hành giảm mạnh, các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực tuyến, do đó, “miếng bánh” quảng cáo bị xé lẻ, địa hạt kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều nhà quảng cáo đã dịch chuyển sang quảng cáo trực tuyến. Các cơ quan báo chí cần xây dựng một mạng lưới quảng cáo mới và tái cấu trúc hoạt động kinh tế báo chí, cụ thể là diện tích quảng cáo trên báo chí điện tử cần phải được bán trực tiếp cho các nhà quảng cáo, tránh bị phụ thuộc vào truyền thông xã hội và giảm thiểu rủi ro vi phạm pháp luật.

Thứ tư, xây dựng chiến lược “điện tử hóa” báo chí. Khi các tòa soạn tận dụng được lợi thế của internet, tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường internet, từ đó có thể xây dựng hệ thống thanh toán paywalls để tính tiền người sử dụng nội dung thông tin. Tờ New York Times (Mỹ) đã áp dụng công nghệ số (chuyển hướng từ báo giấy sang báo điện tử), nhưng không chạy đua theo lượng truy cập mà tập trung vào việc khai thác nội dung và thu phí trên báo điện tử. Chiến lược của New York Times là cung cấp những câu chuyện đa chiều và đủ mạnh để thu hút hàng triệu người sẵn sàng trả tiền để được đọc.

Thứ năm, đa dạng hóa nguồn thu. Để tăng nguồn thu bên ngoài “mặt báo”, cơ quan báo chí cần tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động đó làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí.

Thứ sáu, chiến lược kinh doanh trong xu thế chuyển đổi số không chỉ quan tâm kiếm được bao nhiêu quảng cáo, mà cần phải trở về với giá trị cốt lõi của báo chí, đó là sản xuất cái gì, sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào? Trong xu hướng chuyển đổi số, vấn đề lớn nhất của các cơ quan báo chí không chỉ là doanh thu mà còn là công chúng, họ phải nghiên cứu phân khúc công chúng là gì, sản xuất cái gì, thị phần quảng cáo ra sao, làm thế nào để bán được quảng cáo, bán ở đâu, thị trường nào? Trong bối cảnh hiện nay, việc cơ quan báo chí xác định được độc giả trung thành chính là “người” mang lại giá trị nguồn thu cho cơ quan báo chí chứ không phải là các nhóm công chúng thứ yếu khác. Do vậy, các cơ quan báo chí cần phải có chính sách, xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng hiệu quả, đặc biệt là cần phân tích dữ liệu để thuyết phục người đọc trả phí trên báo điện tử. Đây cũng là nguồn để phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam,
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.