(HNMO) - Tối 21-9, Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long đã tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập Khu công nghiệp Thăng Long. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio…
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Hiroyoshi Masuoka cho biết, công ty là liên doanh giữa Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh - LICOGI (42% vốn góp) và Sumitomo Corporation của Nhật Bản (58% vốn góp), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư số 1845/GP ngày 22-2-1997; nay là Giấy chứng nhận đầu tư số 012022000108 do Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cấp với mục tiêu xây dựng một khu công nghiệp hiện đại tại Thủ đô Hà Nội. Khu công nghiệp đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần tạo “bàn đạp” để đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thủ đô.
Khu công nghiệp Thăng Long được đầu tư theo 3 giai đoạn với tổng diện tích 274ha nằm trên địa bàn 4 xã: Kim Chung, Đại Mạch, Võng La, Hải Bối (huyện Đông Anh) với tổng vốn đầu tư ban đầu cho hạ tầng là 90 triệu USD. Toàn bộ khu công nghiệp được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, có nhà máy nước, nhà máy xử lý nước thải, trạm điện, trạm viễn thông, ATM, bưu điện... đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư và đòi hỏi của các đối tác đến từ các nước phát triển.
Nhờ vậy, Khu công nghiệp Thăng Long đã thu hút được các nhà đầu tư chất lượng từ các nước phát triển, như: Canon, Panasonic, TOTO, Yamaha, Sumitomo...
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Khu công nghiệp Thăng Long đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển thành khu công nghiệp kiểu mẫu, có chất lượng dịch vụ tốt nhất tại Thủ đô, cũng như cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long đã đóng góp tích cực vào ngân sách thành phố. Nếu như năm 2019, số nộp ngân sách của các doanh nghiệp đạt 95,6 triệu USD thì đến năm 2021 con số này là 99,2 triệu USD; tạo việc làm cho 60.000 lao động...
Biểu dương những kết quả mà Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị thời gian tới, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; qua đó phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các sở, ngành thành phố và huyện Đông Anh tiếp tục tạo điều kiện cho Khu công nghiệp Thăng Long và các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; rút ngắn các thủ tục hành chính. Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất thành phố cần thường xuyên phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ Khu công nghiệp Thăng Long phát triển bền vững; qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền mong muốn Khu công nghiệp Thăng Long và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mục tiêu sản xuất, kinh doanh; có chính sách quan tâm chăm lo đời sống người lao động; tích cực trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước nhằm nắm bắt thông tin về tình hình doanh nghiệp. Từ đó, cùng thành phố kịp thời xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng phát triển. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chú ý bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và duy trì vệ sinh môi trường luôn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Tại buổi lễ, các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Thăng Long đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.