Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển giao thông nông thôn: Sớm hóa giải những "điểm nghẽn"

Kim Nhuệ| 15/12/2018 06:40

(HNM) - Những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông, tạo diện mạo mới và thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực nông thôn.

Dự án nâng cấp, mở rộng 13,5km đường 419, đoạn từ xã Phù Lưu Tế đến xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) đã hoàn thành hơn 80% tiến độ.



Cơ bản hoàn thành tiêu chí khó

Đông Yên là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Quốc Oai trong việc hoàn thành tiêu chí giao thông khi xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn xã có hơn 16km đường trục xã, liên xã; 12,4km đường từ trung tâm xã đến huyện; gần 12km đường trục thôn, liên thôn; hơn 48km đường xóm; gần 26km đường trục chính nội đồng. Trước đây, các tuyến đường này đều là đường đất, mặt cắt hẹp, gây khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Để hoàn thành tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Đông Yên cần ít nhất khoảng 70 tỷ đồng, vượt quá khả năng của một xã thuần nông có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Quốc Oai. Tuy nhiên, cuối tháng 10 vừa qua, xã Đông Yên là một trong 4 xã cuối cùng của Quốc Oai đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới sau 5 năm triển khai.

“Nếu không được huyện và thành phố quan tâm đầu tư thì không biết đến khi nào xã mới có cơ sở hạ tầng như hiện nay” - Chủ tịch UBND xã Đông Yên Tạ Đình Quý chia sẻ. Thực tế, để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Đông Yên đã đầu tư gần 448 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn thành phố và huyện chiếm 44,86%, ngân sách xã chiếm 14,9%...

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho rằng, giao thông là tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới và cũng là tiêu chí khó hoàn thành nhất đối với các địa phương. Để cải tạo, nâng cấp hơn 670km giao thông và các công trình hạ tầng khác đạt tiêu chí nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay, Quốc Oai đã huy động 1.926 tỷ đồng. Tương tự, huyện Phúc Thọ huy động 1.191 tỷ đồng, huyện Thạch Thất huy động 1.746 tỷ đồng, huyện Gia Lâm 2.075 tỷ đồng...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố được gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới. 10 năm qua, thành phố đã xây dựng mới hơn 2.309km và nâng cấp, cải tạo được hơn 5.735km giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 19.045 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, thành phố tiếp tục đầu tư khoảng 72.092 tỷ đồng hỗ trợ các xã còn lại hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có hỗ trợ đầu tư xây dựng giao thông nông thôn... Việc từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn đã góp phần kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương này.

Gắn kết giao thông nông thôn với đô thị

Tuy nhiên, theo phản ánh từ cơ sở, mấu chốt của việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là cần phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh và có tầm nhìn chiến lược. Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương, hiện nay các tuyến đường trên địa bàn huyện đều đạt tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với xây dựng đô thị văn minh, hướng tới trở thành quận, Thanh Trì đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp tuyến đường Phan Trọng Tuệ, nối huyện Thanh Trì với quận Hà Đông. Ngoài ra, một số tuyến đường, mặc dù có quy mô liên xã nhưng thực tế đang kết nối với nhiều quận, huyện lân cận và thường xuyên bị ách tắc giao thông, như: Đường Tựu Liệt, đoạn từ thị trấn Văn Điển nối với phường Hoàng Liệt thuộc quận Hoàng Mai; đường Tứ Hiệp, đoạn từ thị trấn Văn Điển đến đê hữu Hồng, kết nối với quận Hoàng Mai, huyện Thường Tín; quốc lộ 1A, đoạn từ xã Liên Ninh đi qua các xã Đại Áng, Tả Thanh Oai kết nối với huyện Thanh Oai…

Đường giao thông tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất khang trang, sạch đẹp.Ảnh: Bá Hoạt


Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, 100% trục đường huyện, xã, thôn, xóm, nội đồng đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nên hiện nay nhiều tuyến giao thông nông thôn của huyện quá tải, không đáp ứng tiêu chuẩn hạ tầng đô thị. Để các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn đạt tiêu chí hạ tầng đô thị, đáp ứng yêu cầu trở thành quận trong giai đoạn 2018-2020, Đông Anh cần khoảng 73.825 tỷ đồng. Có nguồn vốn này, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 kết nối với đường xuyên Á; đường dẫn cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát, đường phía Bắc sông Thiếp. Bên cạnh đó, huyện sẽ xây dựng mới khoảng 712km đường giao thông các loại theo quy hoạch đô thị; chỉnh trang 48 tuyến đường huyện, các tuyến đường bao quanh 155 thôn của 23 xã; bảo trì 957km đường giao thông hiện có…

Tương tự, với mục tiêu phấn đấu trở thành quận giai đoạn 2018-2020, huyện Hoài Đức sẽ xây dựng 24 tuyến đường, với tổng chiều dài khoảng 53km, tổng mức đầu tư khoảng 5.354 tỷ đồng. Để có nguồn lực, Hoài Đức đang triển khai nhiều giải pháp: Đẩy nhanh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong khi đó, huyện Thanh Trì đề nghị thành phố cho phép sử dụng 100% kinh phí nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất để tái đầu tư cho hạ tầng của địa phương. Huyện Đông Anh đề nghị thành phố xây dựng, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đối với các dự án hạ tầng cơ sở thực hiện theo hình thức xã hội hóa đầu tư…

Bằng nỗ lực của các địa phương, hy vọng những khó khăn trong đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn của Hà Nội sẽ sớm được hóa giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển giao thông nông thôn: Sớm hóa giải những "điểm nghẽn"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.