Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch ''xanh'' từ tài nguyên văn hóa: Hướng tới ''bảo tồn động'' để di sản thích nghi với thời đại

Bảo Khánh| 05/06/2022 06:35

(HNMCT) - Mối quan hệ tương hỗ giữa phát triển du lịch “xanh”, du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa là không thể phủ nhận. Du lịch phát triển quá “nóng” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến di sản văn hóa. Ngược lại, không thể đặt di sản trong “lồng kính” mà phải hướng tới “bảo tồn động” để di sản thích nghi với thời đại, từ đó mới có thể gìn giữ và phát huy giá trị của di sản phù hợp với quy luật phát triển. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:
Du lịch bền vững là mô hình thích hợp để biến di sản văn hóa thành động lực phát triển

Du lịch bền vững được hiểu là “sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” (Khoản 14, Điều 3, Luật Du lịch số 09/2017/QH14). Du lịch bền vững luôn hướng tới 3 mục tiêu quan trọng là: Cung cấp cho du khách các sản phẩm du lịch và các tour có chất lượng và có trách nhiệm; Đảm bảo duy trì chất lượng môi trường thiên nhiên và xã hội vì lợi ích của cộng đồng; Cải thiện chất lượng sống của người dân địa phương xung quanh các điểm du lịch.

Xu hướng phát triển du lịch hiện đại cho thấy hai hình thức: Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là những mô hình có nhiều khả năng sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa với tư cách là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Du lịch sinh thái có khả năng tham gia giải quyết các vấn đề bền vững trong du lịch ở những mặt cụ thể như: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường; tạo phúc lợi việc làm thu nhập cho cư dân địa phương; góp phần bảo vệ đa dạng sinh học; sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa một cách bền vững; duy trì cuộc sống yên vui cho cộng đồng; phục vụ yêu cầu giáo dục và học tập suốt đời của xã hội; huy động sự tham gia của người dân địa phương; thúc đẩy phân chia lợi ích một cách công bằng hơn giữa các bên liên quan.

Nếu biết kết hợp bảo tồn di sản văn hóa lồng ghép vào các chương trình phát triển chung của các địa phương, nhất là bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thì hoàn toàn có khả năng biến di sản văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự tăng trưởng kinh tế và tạo sinh kế cho cư dân tại các điểm, khu du lịch.

Hai mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có khả năng "hồi sinh" di sản văn hóa. "Hồi sinh" di sản văn hóa được hiểu theo nghĩa trước hết phải tạo ra những điều kiện tối ưu cho di sản tiếp tục tồn tại và tích hợp thêm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mới để từ di sản văn hóa tạo lập ra một không gian văn hóa có sức sống mới. Đây chính là định hướng có tính thực tiễn nhằm bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và cũng là phương thức bảo tồn để biến di sản văn hóa thành động lực quan trọng cho phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội:
Tiếp cận các quan điểm về khai thác giá trị di sản văn hóa

Khai thác giá trị di sản văn hóa là biện pháp thích hợp nhằm phát huy tối ưu giá trị nhiều mặt mà di sản hàm chứa. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mà một ngành kinh tế tất yếu phải tạo ra sản phẩm hàng hóa. Muốn có sản phẩm, phải khai thác nguyên liệu tạo ra sản phẩm hàng hóa đó. Ở đây, trong kinh tế du lịch, văn hóa là một trong những tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất; là một dạng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Do vậy, cần khai thác giá trị của các tài nguyên văn hóa để tạo ra sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, cần khai thác có chọn lọc các giá trị của văn hóa, tức là tìm ra các giá trị đặc sắc của văn hóa để đưa vào cuộc sống và đem lại các giá trị đích thực cho con người. Điều đó giúp khơi nguồn nội lực cho văn hóa, giúp văn hóa tăng thêm sức mạnh để phát triển chứ không phải khai thác đến cạn kiệt. 

Khai thác các giá trị văn hóa tức là làm tăng giá trị của văn hóa, tạo cho văn hóa có “đầu ra” là sản phẩm du lịch. Đó chính là giải pháp “bảo tồn động” các giá trị văn hóa, là biểu hiện tích cực của quá trình “kinh tế hóa văn hóa” trong hoạt động du lịch. Đi cùng với việc khai thác các giá trị văn hóa là nâng cao hàm lượng văn hóa trong kinh doanh du lịch, “văn hóa kinh tế” trong hoạt động du lịch ở Việt Nam hiện nay. Chính việc tiến hành song song hai quá trình như vậy sẽ tạo ra sự phát triển bền vững của kinh tế du lịch, đồng thời góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nâng văn hóa dân tộc lên tầm cao mới với vị thế mới, phù hợp trong thời đại mới.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:
Phát triển du lịch gắn với tăng trưởng "xanh"

Để khai thác tài nguyên văn hóa gắn với phát triển bền vững, nhà quản lý hướng tới phát triển loại hình du lịch sinh thái (hay còn gọi là du lịch “xanh”) dựa trên việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trải nghiệm hình thức du lịch này, du khách không chỉ có cơ hội tham quan các địa điểm đẹp, hấp dẫn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Bên cạnh các loại hình du lịch phổ biến thì xu hướng du lịch “xanh” ở Việt Nam ngày càng có sức hút với người dân ở mọi lứa tuổi, nhất là với các gia đình trẻ.

Những năm gần đây, việc khai thác tài nguyên văn hóa và sinh thái gắn với du lịch tăng trưởng “xanh” ngày càng phổ biến ở Việt Nam bởi tính ưu việt. Nhiều địa phương đã chú trọng đến công tác lập quy hoạch các điểm di sản văn hóa nổi tiếng để khai thác tiềm năng phát triển các loại hình du lịch “xanh”. Chúng ta có thể thấy tính hiệu quả của một số mô hình du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (Quảng Ninh), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... đã tạo nhiều cơ hội cho người dân thu nhập trực tiếp từ hoạt động dịch vụ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững, nhận thức của người dân được nâng cao, bản sắc văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái được tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ.

Nhìn chung việc sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa gắn với du lịch tăng trưởng “xanh” đang ngày càng phổ biến nhờ tầm quan trọng của nó trong việc bảo vệ các giá trị tài nguyên nhân văn và tài nguyên sinh thái, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức giáo dục cộng đồng, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững. Đây cũng là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành năm 2021.

Để phát triển các hoạt động du lịch gắn với tăng trưởng “xanh”, vấn đề đặt ra đối với các cấp chính quyền địa phương là cần chú trọng đến công tác lập quy hoạch tổng thể và đưa ra định hướng, cũng như giải pháp bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và nguồn tài nguyên du lịch sinh thái. Đồng thời giải quyết thỏa đáng lợi ích của các bên liên quan (chính quyền, doanh nghiệp và người dân) gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch ''xanh'' từ tài nguyên văn hóa: Hướng tới ''bảo tồn động'' để di sản thích nghi với thời đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.