(HNM) - Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hình thành dựa trên công cuộc Cách mạng kỹ thuật số đã diễn ra từ thế kỷ trước, với đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ, đang tác động vào mọi ngành, mọi lĩnh vực ở nước ta.
Du khách quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long. Ảnh: Sơn Hà |
"Cú hích" từ Cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 về sản xuất thông minh với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, đang tạo ra sự thay đổi và chi phối toàn thế giới. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Trong đó nêu rõ: Tất cả các cơ quan trung ương, địa phương cần rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển. Đặc biệt, du lịch là một trong những ngành được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh.
Trên thế giới, xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để quyết định cho các chuyến đi và nội dung hoạt động du lịch ngày càng tăng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng, trong đó, 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Tra cứu Google Trends cho thấy, từ khóa “du lịch” được tìm kiếm tăng 3 lần trong 5 năm gần đây. Thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm thường liên quan đến điểm đến, khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch... Những yếu tố này là nền tảng thuận lợi để du lịch Việt Nam phát triển trong CMCN 4.0.
Gần đây, du lịch Việt Nam có những chuyển động tích cực để sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng mới. Ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - “đặc sản” của CMCN 4.0, một trong những sản phẩm “Made in Vietnam” đầu tiên là “Hệ thống săn dữ liệu mạng xã hội” của tác giả Lê Công Thành và các cộng sự Topica Al Lab. Ngay lập tức, hệ thống này được Tổng cục Du lịch sử dụng để định vị thương hiệu.
Bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch dự báo: Trí tuệ nhân tạo sẽ mang đến nhiều lựa chọn nhờ việc phân tích dữ liệu về khách. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tạo lập chuỗi giá trị và cung cấp các loại hình du lịch theo đúng sở thích của từng khách hàng. Công nghệ số có thể tính toán được xu hướng nhu cầu của khách đối với loại hình du lịch, địa điểm, hình thức mua sắm hay loại cơ sở lưu trú mà khách thường lựa chọn… Đó chính là cơ sở phát triển "du lịch thông minh".
Chủ động tìm giải pháp quản lý và phát triển
Chỉ thị 16/CT-TTg đặt ra yêu cầu: Các ngành, các cấp phải nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT, thành viên Tổ viết báo cáo Công nghệ 4.0 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để làm được điều này, ngành Du lịch phải chủ động đổi mới mô hình quản lý, phục vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đưa ra các kế hoạch chiến lược và ứng dụng công nghệ thông tin vào các kế hoạch đó nhằm thiết lập hệ sinh thái "du lịch thông minh".
Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Bros, việc nâng cao sự hiện diện của du lịch Việt Nam nhờ kết hợp các kênh truyền thông quảng bá tích hợp toàn ngành là chiến lược quan trọng trong thời kỳ mới. Về điểm này, Hà Nội đã có những bước đi đầu tiên để thiết lập mô hình thành phố du lịch thông minh bằng cách thực hiện quảng bá vẻ đẹp Thủ đô ra thế giới qua chương trình “My Hanoi” trên kênh truyền hình CNN (Mỹ) với hai bộ phim “Hà Nội - Trái tim Việt Nam” và “Hà Nội - Cái nôi di sản”. Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với một số hãng thông tấn, truyền hình, mạng tin tức ở khu vực Đông Bắc Á để hợp tác đầu tư quảng bá theo dòng khách ở từng thị trường; cùng Tập đoàn Viễn thông Việt Nam nghiên cứu phần mềm xây dựng hệ thống "du lịch thông minh".
Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam khá chủ động tiếp cận CMCN 4.0, coi đây là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Vietravel, Vietrantour, Five Stars Travel… bắt đầu từ việc cơ bản - số hóa dữ liệu, bao gồm cập nhật thông tin tour tuyến, chương trình ưu đãi, hoạt động của doanh nghiệp lên website; ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm của khách hàng; nâng cấp phần mềm điều hành tour; triển khai cổng thanh toán điện tử; thiết lập kênh tương tác trực tiếp với khách... “Thông qua việc tích hợp và minh bạch thông tin, bám sát phản hồi của khách hàng, chúng tôi sẽ dần hình thành những sản phẩm du lịch mới theo kịp xu hướng chung”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet chia sẻ.
Việc chủ động nắm bắt cơ hội để CMCN 4.0 trở thành đòn bẩy phát triển, đó là hướng đi đúng của ngành Du lịch Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.