(HNMO) - Ngày 2-4, tại huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) đã diễn ra Hội thảo khoa học Quy hoạch thị trấn du lịch Dần Thàng. Tham gia hội thảo, hơn 100 đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, các ban, ngành của địa phương cùng các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, đô thị, du lịch và các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, mang tính xây dựng nhằm tìm hướng khai thác tiềm năng, phát triển du lịch tại thị trấn Dần Thàng trong thời gian tới.
Điểm đến tiềm năng
Văn Bàn là một huyện miền núi thuộc tỉnh Lào Cai, nằm cách trung tâm thành phố Lào Cai 68km về phía Nam, tiếp giáp với các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và các tỉnh Lai Châu, Yên Bái. Văn Bàn có tiềm năng du lịch phong phú về tự nhiên với 65% diện tích rừng tự nhiên nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn cùng hàng trăm ngọn thác, núi. Khí hậu Văn Bàn khá lý tưởng với loại hình du lịch nghỉ dưỡng khi nền nhiệt độ trung bình trong năm chỉ khoảng 22 độ C. Bên cạnh đó, Văn Bàn còn sở hữu nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Mông, Dao, Giáy...
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, song trong những năm qua, du lịch của huyện Văn Bàn vẫn gần như ở điểm xuất phát do hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu trú, dịch vụ trên địa bàn chưa phát triển. Từ đó, huyện xác định việc phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp nhằm khai thác tối ưu lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực trong cơ cấu kinh tế vĩ mô của huyện.
Theo ông Vũ Hồng Phương, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, từ năm 2021, UBND huyện đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn, các chuyên gia về phát triển du lịch, quy hoạch thực hiện hơn 200 cuộc khảo sát thực địa trên phạm vi toàn huyện, từ đó xây dựng và hoàn thiện Đề án chiến lược phát triển Du lịch huyện Văn Bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bắt đầu từ việc xây dựng Quy hoạch thị trấn du lịch Dần Thàng để nơi đây trở thành một điểm đến du lịch ấn tượng, độc đáo của huyện Văn Bàn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Theo quy hoạch, thị trấn Dần Thàng sẽ trở thành một “Sa Pa thu nhỏ” trong tương lai...
Xây dựng thương hiệu điểm đến khác biệt
Theo Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn Vũ Hồng Phương, là huyện đi sau nên Văn Bàn xác định việc phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, từ đó tạo ra các sản phẩm đặc trưng, khác biệt.
Văn Bàn xác định phải đặt người dân là trung tâm để người dân đồng thuận, trực tiếp tham gia và được hưởng lợi từ du lịch. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, huyện sẽ không nóng vội trong việc phát triển, mà sẽ xây dựng quy hoạch bài bản, chi tiết để du lịch Dần Thàng phát triển bền vững.
Từ kinh nghiệm phát triển du lịch trong những năm qua, Tiến sĩ Tô Ngọc Liễn, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa chia sẻ: Văn Bàn cần chú trọng việc bảo tồn kiến trúc cảnh quan của Dần Thàng, triển khai ngay việc công nhận Dần Thàng là điểm du lịch; chú trọng bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để tạo các sản phẩm du lịch văn hóa khác biệt... Văn Bàn cần tập trung trí tuệ của các nhà khoa học để xây dựng Quy hoạch phát triển khu du lịch Dần Thàng có tính khách quan, bền vững. Bên cạnh đó, huyện cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư để trở thành trung tâm du lịch.
Kiến trúc sư Trần Minh Tuấn, Công ty cổ phần ACE Phương Đông đề xuất, để du lịch Dần Thàng thu hút khách, khi xây dựng đồ án quy hoạch, huyện cần xác định sự liên kết không gian công cộng với không gian thiên nhiên để làm nổi bật cảnh quan mang tính đặc đặc trưng của địa phương; hạn chế các cụm công trình có quy mô lớn, ảnh hưởng đến cảnh quan.
Đề xuất một số giải pháp để phát triển Dần Thàng thành đô thị du lịch bền vững, theo GS.TS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, huyện Văn Bàn cần có quy chế quản lý kiến trúc truyền thống và cảnh quan tự nhiên; có lộ trình phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư để người dân thấy rõ lợi ích trong vấn đề phát triển đô thị du lịch. Cuối cùng, huyện cần có chiến dịch truyền thông với nhiều giai đoạn khác nhau và tập trung vào từng mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho huyện Văn Bàn. Theo đồng chí Vũ Xuân Cường, những năm gần đây, Văn Bàn đã có những bước phát triển mạnh mẽ khi chuyển sang phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và bước đầu tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư, Văn Bàn hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Theo Quy hoạch thị trấn du lịch Dần Thàng, khu vực trung tâm sẽ được phát triển thành 3 vành đai đô thị với các cao độ khác nhau, bao gồm vành đai trung tâm với trọng tâm là Nhà văn hóa dân tộc Bàn Vương - thủy tổ của dân tộc Dao. Vành đai 2 là hệ thống các khu ở và bản làng dân tộc. Vành đai 3 là hệ thống khu nghỉ dưỡng và resort.
Thị trấn Dần Thàng là một thị trấn xanh, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân, nâng cao sức khỏe của cư dân, được xây dựng với quy mô từ 2.000 - 2.500 dân và phục vụ tối đa 2.000 khách du lịch. Quy hoạch các điểm du lịch tại Văn Bàn lấy thung lũng Dần Thàng làm trung tâm sẽ phục vụ từ 200.000 - 400.000 lượt khách mỗi năm, với thời gian lưu trú trung bình từ 2-4 ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.