(HNM) - Chiều 15-7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị góp ý cho đề án Định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tăng trưởng thiếu bền vững
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, giai đoạn 2010-2015, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trung bình 9,48%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình 8,97%/năm trong giai đoạn 2001-2010. Theo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các chỉ tiêu định lượng đã đạt và vượt so với mục tiêu: Khách quốc tế đạt 7,94 triệu lượt so với mục tiêu 7-7,5 triệu lượt; khách nội địa đạt 57 triệu lượt so với mục tiêu 47-48 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch 15,4 tỷ USD, so với mục tiêu 10-11 tỷ USD.
Du khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn |
Tuy nhiên, hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam chưa cao, thị trường khách du lịch quốc tế còn thiếu thông tin về du lịch Việt Nam; quy mô, chất lượng của các hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch còn hạn chế; hình ảnh nhận diện du lịch Việt Nam chưa thống nhất, thương hiệu du lịch Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao đối với khách du lịch quốc tế. Việt Nam hiện xếp hạng 89 về mức độ mở cửa quốc tế, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, sau hầu hết các nước ASEAN. Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân 22 nước, mức độ rất thấp so với Thái Lan (61), Malaysia (155), Singapore (158). Việc cấp thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam còn hạn chế, thời gian lưu trú không quá 15 ngày, chưa áp dụng thị thực điện tử. Ngoài ra, ngành Du lịch thiếu sản phẩm nổi trội, chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; quy định pháp lý, công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch bộc lộ không ít hạn chế; cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế; sự phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
Đề án cũng nêu ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch Việt Nam thu hút 14-15 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm trong giai đoạn 2015-2020, đóng góp 9-10% trong GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 29-32,5 tỷ USD, tạo ra 3,5 triệu việc làm. Giải pháp được Đề án chỉ rõ là, nâng cao nhận thức về ngành Du lịch, nhận thức đúng đắn về bản chất, quy luật phát triển của ngành Du lịch với tư cách là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao. Tăng cường nguồn lực phát triển du lịch như: Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để tạo nguồn lực lớn với đóng góp chủ yếu từ nguồn xã hội hóa; nâng cao mức đầu tư của Nhà nước, có thể đóng góp trực tiếp vào Quỹ hoặc theo các chương trình, đề án riêng.
Phải có lộ trình và giải pháp hoàn thiện Đề án
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho rằng, Đề án chưa đưa ra vấn đề phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, Việt Nam có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhưng trong các mục tiêu chương trình của Chính phủ chưa có chương trình dành cho mục tiêu tôn tạo các công trình di tích, cần bổ sung các chương trình này. Đại diện Cần Thơ cũng mong muốn được tách Sở Du lịch ra khỏi Sở VH, TT&DL. Còn ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, việc xúc tiến du lịch, phải để doanh nghiệp làm, chứ không phải cơ quan nhà nước, vì như vậy kém hiệu quả. "Cần giao cho vùng nào, xúc tiến thị trường nào nhằm định hướng, chia nguồn lực xúc tiến để đạt hiệu quả cao. Quan trọng nhất là phải xác định được thị trường trọng điểm và quỹ xúc tiến do doanh nghiệp đóng góp" - ông Đặng Việt Dũng nêu ý kiến.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh ủng hộ đề án, song yêu cầu làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phát triển du lịch. "Một vấn đề khác là giá vé vào cửa các di tích lịch sử quá thấp, đã vô tình hạ thấp giá trị của di tích. Các di tích lịch sử hiện vẫn được khai thác theo kiểu phục vụ bảo tồn, bảo tàng, chứ không phải là khai thác để phát triển du lịch. Nhiều bảo tàng đề nghị sẵn sàng miễn phí một số đối tượng học sinh, sinh viên, cựu chiến binh, nhưng phải cho thu phí cao các đối tượng khác để nâng cao giá trị di tích" - bà Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ. Cũng theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, hệ thống giao thông phục vụ du lịch chưa tốt, thiếu đồng bộ, không cạnh tranh được với các nước trong khu vực, nên cần phải có chính sách đầu tư cho khu vực này. Đặc biệt, đại diện TP Hồ Chí Minh đề nghị thí điểm cảnh sát du lịch ở một số địa phương.
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cần phải làm rõ khái niệm thế nào là du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong Đề án, một số mục tiêu chưa được cụ thể hóa bằng các con số như: Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia, giá trị thương hiệu du lịch quốc gia, mức độ hài lòng của khách du lịch và tỷ lệ khách du lịch quay trở lại Việt Nam.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định những giá trị to lớn mà ngành Du lịch mang lại và Nghị quyết về phát triển du lịch là cơ hội để ngành Du lịch Việt Nam phát triển. Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ thực trạng yếu kém nội tại của du lịch hiện nay, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, xác định rõ tiềm năng của Du lịch Việt Nam, từ đó đề ra lộ trình cụ thể, giải pháp thực hiện nhằm hoàn thiện nội dung Đề án.
Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trọng điểm về du lịch, Đề án sẽ tiếp tục lấy ý kiến nhiều lần để hoàn thiện trước khi Chính phủ trình Bộ Chính trị Nghị quyết về phát triển du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.