(HNM) - Khi du lịch cá nhân ngày càng được ưa chuộng, phát triển thì các nhà cung cấp dịch vụ phải chú trọng hơn đến việc xây dựng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách thuộc loại hình này. Trong đó, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong tiếp cận khách du lịch cá nhân.
Phát triển nhờ công nghệ
Du lịch cá nhân là hình thức du khách sẽ thực hiện chuyến du lịch một mình đến những nơi khác nhau và tự ra quyết định về chuyến đi cho đến lựa chọn các dịch vụ cũng như các hoạt động tại điểm đến. Tại hội thảo về du lịch cá nhân diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, bà Nguyễn Anh Thư, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Công ty Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến Outbox Consulting cho biết, số người tham gia du lịch cá nhân tăng mạnh trong những năm qua ở cả trong và ngoài nước. Trên trang đặt phòng và các dịch vụ du lịch trực tuyến Booking.com của năm 2018, có tới 40% khách thuộc nhóm tuổi 50-64 đã thực hiện du lịch cá nhân.
Ông Lương Văn Tuân, Giám đốc Công ty Vietbeauty Tour tại Hà Nội cho biết, có hơn 70% khách quốc tế đặt dịch vụ của công ty để đến Việt Nam theo hình thức du lịch cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ 2-3 người. Theo chuyên gia từ Hiệp hội Du lịch Thái Bình Dương Paul Pruangkarn, ngày càng có nhiều người thích đi du lịch một mình để nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tìm cảm hứng cho công việc…
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Nhiều ứng dụng và công cụ đa năng thông minh, hỗ trợ du lịch trải nghiệm ra đời, đã giúp du khách dễ dàng đi du lịch bằng hình thức tự túc hơn. Còn theo anh Nguyễn Anh Vũ (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) - người đã từng có chuyến du lịch cá nhân, đi du lịch theo hình thức này không bị bó buộc bởi hành trình tour. Nhờ đó, anh có đủ thời gian để tìm hiểu điểm đến hay trải nghiệm với người dân địa phương.
Tăng cường liên kết
Thị trường du lịch cá nhân với những yêu cầu mang tính đặc thù cao, khiến các doanh nghiệp du lịch Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức. Bởi, cách làm vốn chỉ dựa vào sản phẩm truyền thống, ít làm mới, chậm thay đổi sản phẩm… vẫn còn tồn tại. Hơn nữa, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quốc tế đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ tạo sức ép đáng kể cho doanh nghiệp du lịch. Chính vì vậy, để tồn tại trước sự phát triển của hình thức du lịch cá nhân, tự túc, buộc các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam phải thay đổi cách làm, cách tiếp cận khách hàng.
Bà Nguyễn Anh Thư, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Công ty Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến Outbox Consulting cho biết, nhiều công ty du lịch đã phát triển thêm tour dành riêng cho khách du lịch cá nhân, bên cạnh việc cung cấp các tour truyền thống. Không ít doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đã linh hoạt tung ra các tour theo nhu cầu riêng của khách hay tour Free&Easy (gồm các dịch vụ: Vé máy bay, xe đưa đón, khách sạn...; còn các chi phí khác như ăn uống, đi lại tại điểm du lịch, vé tham quan, thì du khách tự lo).
Theo Tiến sĩ Phạm Hồng Long, các doanh nghiệp lữ hành lớn đã và sẽ mất số lượng khách nhất định khi du lịch cá nhân phát triển. Trong khi đó, đây lại là cơ hội của những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ riêng lẻ như đặt vé tham quan, vui chơi ở điểm đến, cung cấp các tour trải nghiệm…
Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp du lịch tạo ra các sản phẩm phục vụ khách hàng đi theo hình thức du lịch cá nhân. Chẳng hạn, tại Hà Nội, có các tour thưởng thức thức ăn đường phố ở phố cổ Hà Nội, hay “Hanoi Backstreet Tours” giúp du khách trải nghiệm, khám phá Hà Nội trên những chiếc xe máy cổ. Còn khách đi du lịch cá nhân, muốn đi từ tỉnh, thành phố khác trở về Hà Nội bằng những chiếc xe 4 hoặc 7 chỗ, có thể sử dụng dịch vụ của MioGo…
Tuy nhiên, dù bằng cách nào thì các doanh nghiệp đều phải tận dụng tối đa thành quả của công nghệ để tiếp cận, giữ chân đối tượng khách du lịch cá nhân - vốn rất am hiểu về công nghệ cũng như giỏi ngoại ngữ. Ông chủ của sản phẩm “Hanoi Backstreet Tours” Nguyễn Thơ cho biết, doanh nghiệp tiếp tục dựa vào trang đánh giá du lịch nổi tiếng TripAdvisor và trang tìm kiếm Google để thu hút khách.
Đặc biệt, việc liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải được coi trọng hơn. Bởi, chỉ như vậy mới đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng muốn theo hình thức du lịch cá nhân và giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Giám đốc nền tảng công nghệ giúp mua vé tham quan, dịch vụ du lịch giá rẻ Cheep Cheep Phạm Việt Anh khẳng định rất cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch khác nhau để tiếp cận khách, mang đến sự lựa chọn phong phú cho du khách, thay vì “mạnh ai người nấy làm”.
Rõ ràng, sự phát triển của du lịch cá nhân, tự túc đã tác động đáng kể đến thị trường du lịch Việt Nam. Điều quan trọng, các điểm đến và doanh nghiệp du lịch cần thay đổi cách tiếp cận, phục vụ để du khách hài lòng trong suốt hành trình, từ đó thu hút thêm nhiều hơn khách du lịch cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.