(HNM) -
Nhân lực - Vừa thiếu vừa yếu
Theo GS Trần Mạnh Tuấn, Viện Khoa học và Công nghệ, một trong những chuyên gia đầu ngành về công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, tới thời điểm này, nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghệ vũ trụ của chúng ta rất thiếu. Số liệu của Trung tâm Vệ tinh quốc gia cho thấy, tính đến năm 2013, sau khi trung tâm đã mở chi nhánh tại miền Nam và năm 2014, mở tiếp chi nhánh tại miền Trung, tổng số nhân lực trong lĩnh vực này vẫn rất ít ỏi - khoảng 100 người. Năm 2012, con số này chỉ là 26. Ước tính đến năm 2020, nhu cầu nhân lực tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia vào khoảng 250 người. Số nhân lực làm việc trong ngành công nghệ vũ trụ hạn chế đã đành, xét về chất lượng cũng không mấy khả quan. Điều quan trọng là trong bối cảnh khó khăn về nguồn nhân lực, ở Việt Nam, ngoài một số đơn vị đào tạo bậc đại học liên kết với nước ngoài thì hiện chưa có trường đại học (ĐH) nào đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ.
Một buổi hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. |
Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã chủ động cử người đi học bậc thạc sĩ tại Nhật Bản cũng như tổ chức liên kết đào tạo tại Việt Nam. Tính đến nay, đã có 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ được đào tạo tại Nhật Bản bằng nguồn ngân sách dành cho dự án công nghệ vũ trụ quốc gia. Bên cạnh đó, Trung tâm Vệ tinh quốc gia cũng liên kết với Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành vũ trụ và ứng dụng; hợp tác với Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ. Song các chương trình đào tạo này là liên kết với nước ngoài chứ hiện ngành học này chưa được Bộ GD-ĐT cấp mã ngành. Với chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm khoảng 60 người, trong đó có 10 - 15 kỹ sư chuyên về công nghệ vũ trụ, việc đào tạo nhân lực cho một ngành công nghệ mang tầm chiến lược đã rõ sự hạn chế.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo trong nước, thời gian qua, hơn 100 lượt cán bộ ngành công nghệ vũ trụ đã được cử đi đào tạo ở nước ngoài, trong đó có 36 người được đào tạo dài hạn. Họ được tiếp cận kiến thức một cách bài bản ngay từ đầu tại các trường đại học uy tín về công nghệ vũ trụ của nhiều nước, sau đó được tạo điều kiện làm việc trong khoảng thời gian nhất định tại những công ty có uy tín để tích lũy kinh nghiệm. Trong quá trình học tập tại Nhật Bản, các học viên này còn kết hợp với giáo sư của trường đại học để nghiên cứu vệ tinh NanoDragon 10kg, nghĩa là vừa học lý thuyết vừa thực hành.
Cần cơ chế đãi ngộ đặc thù
"Ngay cả khi có vệ tinh rồi, nhân lực cho việc ứng dụng, triển khai thành tựu này cũng là vấn đề nan giải" - TS Phạm Văn Cự, Trung tâm Viễn thám và Geomatic, Viện Địa chất và là một trong số nhà khoa học tham gia dự án viễn thám đầu tiên của Việt Nam, nhận định. Ông tỏ ra băn khoăn: Cả Trung tâm Viễn thám và Geomatic chỉ có gần 20 người, phần lớn được đào tạo bài bản ở các nước có nền công nghệ vũ trụ phát triển, nhưng liệu họ có yên tâm phục vụ khi điều kiện làm việc cũng như chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng? "Nếu những người này bỏ việc thì lấy đâu ra người có đủ trình độ để tiếp tục công việc. Đây là điều mà các nhà quản lý phải tính đến bởi nếu điều đó xảy ra, nguy cơ tụt hậu về công nghệ là điều không tránh khỏi", TS Phạm Văn Cự nói.
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ: "Trong dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ quốc gia, kinh phí đầu tư cho việc đào tạo nhân lực là không nhỏ, ước tính gần 10 triệu USD/36 người. Điều đáng lo là với mức đầu tư cho đào tạo cao như vậy nhưng khi về Việt Nam làm việc, nếu áp dụng cơ chế đãi ngộ như hiện nay thì mức lương vài triệu/tháng liệu có giữ chân họ được không?".
Theo mục tiêu của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đặt ra, đến năm 2016, nước ta sẽ sản xuất được vệ tinh NanoDragon 10kg, năm 2018 sản xuất vệ tinh MicroDragon 50kg và đến năm 2020 sản xuất vệ tinh Lotusat2 500kg. Nếu dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hoàn thành thì đến năm 2020 Việt Nam có thể có hạ tầng và công nghệ vũ trụ thuộc tốp đầu khu vực ASEAN (hiện Malaysia và Indonesia đang đứng đầu). Với sự kỳ vọng và mục tiêu to lớn đã được đặt ra, PGS.TS Phạm Anh Tuấn kiến nghị: Nếu thực sự coi công nghệ vũ trụ là ngành công nghệ mũi nhọn thì phải có cơ chế đãi ngộ đặc thù dành cho các cán bộ làm trong ngành giống như ngành năng lượng nguyên tử, y tế… Chỉ có đầu tư theo chiều sâu và bài bản thì mới mong có được kết quả như ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.