(HNM) - Theo báo cáo phát triển con người (PTCN) Việt Nam năm 2011, chỉ số PTCN Việt Nam hiện tăng 11,8% so với giai đoạn 1998-2008, xếp thứ 113/193 nước. Tăng trưởng về thu nhập đóng góp hơn một nửa (55,7%) mức tăng chỉ số này, chứng tỏ kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh.
|
Do nhiều yếu tố kinh tế - xã hội dẫn đến chỉ số phát triển con người của Việt Nam vẫn còn thiếu bền vững. Ảnh: Hoa Quỳnh |
- Trong các chỉ số PTCN, tuổi thọ được coi là một chỉ sốquan trọng. Tuy nhiên, báo cáo PTCN 2011 cho thấy chỉ số tuổi thọ chỉ đóng góp 31,8% mức tăng chỉ số PTCN. Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến chỉ số tuổi thọ của Việt Nam còn thấp, thưa bà?
- Một nguyên nhân quan trọng là an toàn thực phẩm. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại Việt Nam ở mức báo động từ rất lâu. Điển hình như dùng phân u rê để giữ tươi cá biển, nước mắm được chế biến từ xương động vật thối rữa, rau trồng lớn như thổi bởi các chất kích thích gây ung thư... Những mối nguy hại đó đã và đang hằng ngày được đưa vào cơ thể và là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Theo báo cáo của Viện Ung thư quốc gia, cứ 100.000 dân thì có 165 người tử vong vì bệnh ung thư. Ở một số địa phương chịu hậu quả của ô nhiễm nguồn nước do chất thải công nghiệp thì con số này lớn hơn rất nhiều. Chẳng hạn như làng Kim Thành (Nghệ An) chỉ 1.900 dân số, trong thời gian 7 năm có 100 người tử vong vì ung thư, cao gấp 9 lần so với tỉ lệ của toàn quốc. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tuổi thọ - một trong những chỉ báo quan trọng trong PTCN.
- Kinh tế phát triển đóng góp phần quan trọng vào chỉ số PTCN nhưng nó cũng làm cho quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trên cả nước. Quá trình này ắt sẽ kéo theo vấn đề di dân, giải phóng mặt bằng (GPMB), làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và dĩ nhiên có ảnh hưởng tới chỉ số PTCN?
- Từ năm 2001 tới nay, hầu hết địa phương đều triển khai xây dựng các cụm công nghiệp, các khu đô thị mới. Ở Hà Nội, chỉ tính riêng thời gian từ 1-8-2008 đến 31-12-2008, số dự án liên quan tới thu hồi đất đã tăng từ 357 lên 1.005 dự án. GPMB đã khiến nhiều hộ dân mất đất sản xuất. Người nông dân nay không còn tư liệu sản xuất, lại không hề có kiến thức, tay nghề, không có các kỹ năng nghề nghiệp khác, không biết quản lý tài chính, khó thích nghi với môi trường làm việc mới trong các dự án, nên một loạt bất cập về xã hội đã nảy sinh. Nghiên cứu cho thấy phần lớn người dân dùng tiền đền bù vào xây nhà, mua tiện nghi sinh hoạt, kết quả là sau 1-2 năm sống dư dật, họ trở về tay trắng với căn nhà to và không có việc làm, không thu nhập. Và điều này tất nhiên ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
- Trong khi đó, chúng ta lại có nguồn lao động dồi dào bởi số lao động trẻ, tuổi từ 15 đến 29 chiếm 43,5%, hằng năm lại được bổ sung khoảng trên triệu người bước vào lứa tuổi lao động. Trên lý thuyết, lẽ ra lao động trẻ thì dễ đáp ứng được những sự thay đổi?
- Không hẳn như vậy. Lao động Việt Nam có trình độ văn hóa thấp (mức chung là 7,3 năm đi học), nên trình độ chuyên môn rất thấp (70% thanh niên đô thị và 94,7% thanh niên nông thôn không có chuyên môn nghiệp vụ). Số lao động được tuyển dụng vào các khu công nghiệp đa phần từ nông thôn. Hôm qua họ còn là nông dân với tác phong của người làm ăn cá thể manh mún, hôm nay trở thành công nhân, nên khó mà thích nghi ngay với sự thay đổi đó. Họ chưa quen tác phong công nghiệp, tùy tiện cẩu thả, dễ bị lôi kéo, vô kỷ luật... Các doanh nghiệp chỉ dạy người lao động về quy trình trong dây chuyền sản xuất mà gần như không tập huấn về văn hóa nghề nghiệp. Chính vì vậy, quan hệ ứng xử nhất là quan hệ giữa người lao động và chủ lao động còn rất mới mẻ với lao động Việt Nam.
- Ngoài trình độ và ý thức tổ chức kỷ luật, lao động trẻ của nước ta còn đang đối mặt với tình trạng xâm lấn của tệ nạn xã hội (TNXH). Điều này làm ảnh hưởng thế nào đến chỉ số PTCN, thưa bà?
- TNXH có quan hệ trực tiếp đến PTCN. Nó không chỉ gây tổn hại về kinh tế, mất ổn định xã hội mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng đối với chính chủ thể tham gia tệ nạn. Ví dụ, về tệ nạn tiêm chích ma túy. Điều tra cho thấy, đại bộ phận người nghiện ma túy ở Việt Nam đều nằm trong độ tuổi lao động sung sức nhất, đây là sự lãng phí lớn nguồn nhân lực. Đó là chưa kể đến việc sử dụng ma túy sẽ làm suy giảm sức khỏe và tuổi thọ của con người.
TNXH ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc hình thành và phát triển nhân cách con người thông qua nhận thức sai lệch về các giá trị chuẩn mực xã hội, các quan niệm về lẽ phải, tình yêu, lý tưởng cuộc sống, lối sống... dẫn đến sự xuống cấp đạo đức xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ hiện tại và tương lai.
- Theo bà, phải làm thế nào để PTCN bền vững về mặt xã hội?
- Cần phải có những quyết sách đồng bộ mới mong thúc đẩy quá trình PTCN bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới và với mỗi vấn đề xã hội phải có những giải pháp phù hợp. Đơn cử như giải pháp cho vấn đề lao động là các cơ sở đào tạo nghề cần nhanh chóng nâng cao chất lượng quy trình đào tạo, quan tâm tới việc đưa các nội dung văn hóa nghề vào chương trình đào tạo để tạo ra những lao động thạo kĩ năng nghề nghiệp và hiểu văn hóa nghề.
- Xin cám ơn bà!