Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại

Nhóm phóng viên| 18/06/2022 07:10

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND về khắc phục tồn tại, hạn chế về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện, các sở, ngành, địa phương đang xây dựng kế hoạch cụ thể đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác các chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của nhân dân.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các loại hình thương mại bảo đảm phù hợp quy hoạch

Nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động chợ, Sở đã trình UBND thành phố ban hành, tổ chức triển khai Kế hoạch số 228/KH-UB về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn này, sẽ huy động nguồn lực đầu tư xây mới, xây dựng lại 141 chợ (trong đó có 6 chợ đầu mối); cải tạo, nâng cấp 169 chợ; tiếp tục nghiên cứu, khảo sát xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản. Năm 2021, Sở chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành xây dựng 2 trung tâm thương mại, phát triển thêm 3 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, 2 chợ. Để hiện thực hóa Kế hoạch số 156/KH-UBND, Sở chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư các loại hình thương mại bảo đảm phù hợp quy hoạch. Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ theo hướng đồng bộ, hài hòa, văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Phối hợp quản lý tốt các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ

Để góp phần đưa ngành dịch vụ - thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội theo như mục tiêu của Kế hoạch số 156/KH-UBND đề ra, quận tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác các chợ, giải tỏa và sắp xếp chợ cóc, chợ tạm. Tiếp tục hỗ trợ để tạo đột phá trong phát triển thương mại dịch vụ trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ tương xứng với mục tiêu đề ra. Đẩy mạnh phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chuyên môn để nâng cao công tác quản lý trung tâm thương mại, siêu thị, chợ. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, xây dựng hệ thống chợ bảo đảm văn minh thương mại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung:
Quan tâm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý chợ

Những năm qua, huyện quan tâm triển khai các giải pháp đẩy mạnh quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo hướng hiệu quả, là động lực tạo đột phá phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở yêu cầu của Kế hoạch số 156/KH-UBND, huyện tập trung đẩy mạnh quản lý, kinh doanh khai thác các chợ trên địa bàn để bảo đảm hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng giá trị sản phẩm. Quan tâm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý chợ để thực hiện tốt việc kiểm dịch động, thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh.

Bà Nguyễn Thu Phương, phường Thành Công (quận Ba Đình):
Cần có chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư

Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã đặt mục tiêu xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… trên địa bàn thành phố, nhưng đến nay nhiều chợ tạm vẫn hoạt động, trong khi chợ truyền thống xuống cấp. Đơn cử, tại khu tập thể Thành Công, mặc dù tập trung rất đông dân cư nhưng ở đây vẫn họp chợ tạm, hàng hóa bày bán tràn lan dọc lối đi, vừa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa mất mỹ quan đô thị. Lâu nay việc kêu gọi đầu tư, phát triển chợ trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhiều chợ sau khi chuyển đổi thành trung tâm thương mại lại trở nên vắng khách.

Theo tôi, để kêu gọi, thu hút đầu tư các loại hình thương mại, cần phải có chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư và quan tâm khắc phục những điểm yếu trong xây dựng, cải tạo chợ theo hướng văn minh, nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống.

Bà Nguyễn Thu Quỳnh, tiểu thương chợ Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy):
Xây dựng, cải tạo chợ cần bảo đảm thuận tiện cho khách mua hàng

Xây dựng, cải tạo lại các chợ dân sinh cho khang trang, sạch đẹp là mong muốn của cả người dân và các hộ kinh doanh, nhưng việc xây dựng, cải tạo chợ cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề thói quen, nhu cầu của người dân. Cụ thể, việc thiết kế chợ phải đặc biệt ưu tiên, bảo đảm sự thuận tiện cho khách mua hàng, bởi chợ dân sinh là nơi người dân đến mua bán hằng ngày, nhất là vào buổi sáng và chiều tối. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các hộ kinh doanh áp dụng phương pháp thanh toán điện tử trong giao dịch kinh doanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.