Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số: Tạo nền tảng vững chắc

Việt Nga| 29/12/2020 06:13

(HNM) - Năm 2020, những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử đã cho ra “trái ngọt”, khi tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp 6 lần so với năm 2018; một loạt nền tảng mới ra đời để phục vụ người dân và doanh nghiệp; chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 2 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 86/193 thành viên Liên hợp quốc)… Những bước tiến vượt bậc này tạo nền tảng vững chắc để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Trung tâm Dữ liệu IDC Nam Thăng Long (quận Cầu Giấy) của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là nơi lưu trữ dữ liệu của Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các nền tảng Chính phủ điện tử phát huy hiệu quả...

Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, những nền tảng quan trọng cho phát triển Chính phủ điện tử đã được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả. Dựa trên các nền tảng, các dịch vụ, ứng dụng Chính phủ điện tử được phát triển, phục vụ trực tiếp hoạt động của cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, có tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử đạt 90,8% (mục tiêu là 90%). Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối với hệ thống điều hành của các bộ, ngành, địa phương đạt hơn 3,7 triệu văn bản điện tử. Có trên 55% dịch vụ công của các cơ quan nhà nước được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Cổng dịch vụ công quốc gia (khai trương tháng 12-2019), giúp người dân và doanh nghiệp truy cập đến dịch vụ công trực tuyến các cơ quan nhà nước từ một địa chỉ. Cổng đã tích hợp, cung cấp 2.649 dịch vụ công trực tuyến; hơn 26 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 683.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến qua cổng... Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt trên 37% (mục tiêu là 30%).

Theo Văn phòng Chính phủ, hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Cổng dịch vụ công quốc gia… đã giúp tiết kiệm hơn 8.500 tỷ đồng/năm chi phí xã hội.

Chị Lê Minh Oanh, kế toán Công ty Xuất khẩu lao động và thương mại TG (ngõ 89 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm) cho biết, việc khai, nộp thuế điện tử không chỉ bảo đảm minh bạch mà còn giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Còn anh Nguyễn Nam Trung (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) nhận xét, việc đăng ký đổi giấy phép lái xe qua Cổng dịch vụ công quốc gia rất tiện lợi, có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ đến khi hoàn tất...

Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Phú Tiến cho rằng, sở dĩ việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 tăng mạnh là nhờ sự thay đổi trong việc cung cấp dịch vụ dựa trên các nền tảng. Nếu năm 2018 chỉ có 4,55% dịch vụ được cung cấp thì đến ngày 20-12-2020, tỷ lệ này đạt 30,15% (mục tiêu trong năm 2020 là 30%).

Cùng với đó, chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương đều tăng. Trong đó, hai chỉ số hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tăng nhiều nhất, cho thấy các đơn vị tăng cường đầu tư để triển khai các ứng dụng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” huyện Thanh Trì. Ảnh: Đỗ Tâm

... và hướng tới Chính phủ số

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, xác định Chính phủ số là một trong 3 trụ cột lớn, cùng với kinh tế số và xã hội số.

Về khái niệm “Chính phủ số”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Chính phủ số bao hàm Chính phủ điện tử, nhưng thể hiện một sự thay đổi về mặt nhận thức, một mức độ phát triển cao hơn Chính phủ điện tử. Đó là sự chuyển đổi về tư duy quản lý, từ việc Chính phủ cung cấp dịch vụ công để phục vụ sự quản lý nhà nước là chính, sang việc Chính phủ cung cấp dịch vụ công mang tính nền tảng để kiến tạo sự phát triển cho xã hội là chính…

Nhằm phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, ông Nguyễn Phú Tiến cho biết, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là hình thành các dịch vụ số được cung cấp nhanh chóng, thuận tiện, an toàn; hoạt động quản lý nhà nước minh bạch thông qua môi trường số. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, như: Quy định về xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công mức độ 4…

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng thêm 5 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; các nền tảng số; dữ liệu số quốc gia; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số…

Đặc biệt, một số cơ sở dữ liệu quốc gia cốt yếu đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an xây dựng, dự kiến cho phép khai thác thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 2-2021. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường gấp rút triển khai, dự kiến tháng 7-2021 hoàn thành.

Về phía thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, Hà Nội đang tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số. Thành phố cũng định hướng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, phủ rộng trên toàn địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số: Tạo nền tảng vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.