(HNM) - Một số nông dân còn khéo léo, cắt tỉa, tạo dáng được những cây phật thủ bonsai nghệ thuật, là những sản phẩm độc, lạ cung cấp cho thị trường cây cảnh dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Phật thủ lên chậu cảnh
Gặp Tạ Tùng Duy, một trong những thành viên của trang trại phật thủ Tâm An khi anh đang tất bật chăm sóc cho hàng trăm gốc phật thủ bonsai lạ mắt được trồng trong nhà kính, cây nào cũng vàng óng những quả đậu trên cành. Tất cả đều được đặt tên theo ý nghĩa từng cây, nào là: Phật thủ An Phát; phật thủ Phúc - Lộc - Thọ; phật thủ Như ý - Cát tường…, Hùng cho biết, thời điểm này, khách đến mua và xem cây đã bắt đầu nhộn nhịp, trang trại của mấy anh em Duy có gần 800 chậu bonsai, đến nay đã bán được 1/3.
Phật thủ bonsai của Tạ Tùng Duy đang được "đóng hộp" chuẩn bị xuất ra thị trường Tết. |
Chia sẻ về cái "duyên" đến với cây phật thủ bonsai, Tạ Tùng Duy cho biết, đồng đất Đắc Sở có truyền thống trồng phật thủ. Cách đây khoảng mười năm, một số người dân nơi đây mạnh dạn mang cây phật thủ lấy từ ven các con suối ở tỉnh Cao Bằng về trồng. Cây phật thủ nhanh chóng mang lại những giá trị kinh tế cao cho các nhà vườn và nhanh chóng trở thành loại cây chuyên canh phổ biến tại đây. Tuy nhiên, càng nhiều hộ trồng thì sự cạnh tranh càng cao, thậm chí thu nhập của các chủ vườn cũng bắt đầu giảm. Muốn tìm hướng đi mới, khoảng 3 năm trở lại đây, nhóm ba anh em Duy đều là những nông dân 8X đã cùng nhau xây dựng ý tưởng đưa phật thủ lên chậu, cắt tỉa, tạo dáng, "bắt" cây ra quả theo ý muốn.
Nhờ đôi bàn tay khéo léo, những cây phật thủ thông thường đã được "phù phép" thành những chậu cảnh đẹp mắt. Mỗi cây phật thủ bonsai cao chừng 50-70cm, có từ 4-9 quả. Có những cây được ghép thêm loại quả khác như chanh Australia. Tạ Tùng Duy cho biết, phật thủ bonsai ở Đắc Sở có 2 dòng: Cây ra trái tự nhiên và cây ghép quả. Trong đó, quý nhất và cũng có giá nhất là loại cây ra quả tự nhiên bởi nó đòi hỏi nhiều chất xám của thợ làm vườn. Với những cây trồng tự nhiên, phải ít nhất 3 năm, gốc cây già thì mới có thể cắt tỉa, tạo dáng và cho ra quả. Ngay từ khâu cắt tỉa, những người làm bonsai đã phải tính toán để tạo ra các thế của cây. "Các nhánh phải được tính toán để hài hòa. Thông thường người chơi để nhánh lẻ (3-5 nhánh), các nhánh tiếp tục phát triển thành nhánh thứ cấp cân đối theo ý muốn thì mới "bắt" quả. Quá trình bón, tưới cũng phải nắm được quy trình sinh trưởng của cây. Do đó, những thanh niên 8X này đã phải nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm rất lâu mới có thể thành công trong lĩnh vực này.
Tạ Tùng Duy cho biết, tiêu chí để đánh giá một cây phật thủ bonsai đẹp là các cây dáng lạ hoặc dáng cân đối, thế cành đẹp, cây ra trái tự nhiên, quả bóng, đẹp, nhiều tay, tay cân đối. Chậu bonsai phật thủ để tươi lâu từ 2-3 tháng có giá bán dao động từ 2-4 triệu đồng.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Anh Nguyễn Bá Chính, một thành viên khác của trang trại phật thủ bonsai Tâm An cho biết, hiện nhóm đang hướng đến quy trình sản xuất phật thủ sạch bằng các chế phẩm sinh học và ứng dụng công nghệ cao. Hiện thợ vườn Đắc Sở đã bắt đầu sử dụng nhà kính, tưới nhỏ giọt, phun sương trên diện rộng. Đồng thời, dùng bút thử nồng độ để kiểm tra, điều chỉnh dung lượng dinh dưỡng tùy theo từng giai đoạn của cây.
Ở Đắc Sở hiện có khoảng 10 hộ trồng phật thủ bonsai, trong đó, trang trại phật thủ Tâm An được đánh giá là quy mô lớn nhất xã. Năm 2014, thời tiết mùa đông ấm hơn so với các năm, thuận lợi cho các loại hoa, cây cảnh sinh trưởng và phát triển. Thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết hứa hẹn sẽ khá phong phú. Tuy vậy, những nông dân trồng phật thủ bonsai ở Hoài Đức vẫn khá vững tin vụ phật thủ bonsai này sẽ thành công, mang lại cho những người nông dân thôn quê một cái Tết vô cùng sung túc. "Năm ngoái, chúng tôi thu về hơn 1 tỷ đồng. Còn năm nay có lẽ cũng vậy, vì giá cả không biến động nhiều" - anh Nguyễn Bá Chính cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.