Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phật ở trong tâm mỗi người

H.A| 16/06/2011 13:41

(HNMO) - Dưới chân chùa Phật Tích (Bắc Ninh) mới xuất hiện một mảnh đất ấm áp dành cho những số phận bất hạnh, những người già và trẻ em không nơi nương tựa.


Nói là “mảnh đất” nhưng nó cũng rộng ngót 12ha được xây dựng như một công viên, có đủ vườn cây xanh, hồ nước, sân chơi thể thao và rải rác là những căn nhà tựa như những ngôi biệt thự đủ chỗ cho trên 300 con người sinh sống.

Toàn bộ chi phí xây dựng (được biết khoảng trên 50 tỷ đồng), nuôi dưỡng các thành viên trong “mảnh đất” gọi tên tắt là Trung tâm Phật tích này vốn từ Quỹ từ thiện của một tập đoàn kinh tế tư nhân người Việt. Người già được chăm sóc đến khi qua đời và các em nhỏ được nuôi ăn học cho đến khi có cuộc sống tự lập.



Thật đáng mừng khi việc các doanh nhân Việt Nam thành đạt tham gia công tác từ thiện xã hội ngày càng nhiều. Trên thế giới đã từng xuất hiện nhiều tấm gương cao cả về đức hy sinh và sự chia sẻ với những số phận bất hạnh.

Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây mấy năm, nhà đại tư bản Bill Gates, người giàu có nhất hành tinh, đã đến thăm Việt Nam. Hình ảnh chiếc cà vạt chéo với bộ com lê sọc, chiếc chuyên cơ nhỏ và xe đưa đón to, chai nước khoáng bình dị và nụ cười luôn nở trên môi... cùng với một ngày làm việc cật lực của Bill Gates đã xóa phăng ngay trong bộ nhớ của nhiều người hình ảnh của một “tên tư bản” béo phì, tay cầm ba toong, ngồi trên một chiếc ghế quyền lực để “chỉ tay năm ngón”.

Nhưng ấn tượng nhất về con người giàu nhất hành tinh này không phải ở chỗ đấy, mà là trong di chúc của ông. Với số tài sản khổng lồ 50-60 tỷ USD, ông chỉ dành cho mỗi người con 10 triệu USD (với 3 đứa con, số tiền này chỉ bằng 0,5% tổng tài sản), số còn lại, ông tìm cách làm cho số tiền đó “quay lại thế giới một cách ý nghĩa, hiệu quả nhất”, cùng loài người chống lại đói nghèo.

Một tấm gương khác, đó là Chủ tịch huyền thoại Chung Ju Yung của Tập đoàn Huyndai, hiện đóng vai trò hàng đầu trong nền kinh tế Hàn Quốc, đã góp phần đưa xã hội công nghiệp Hàn Quốc từ chỗ hoang sơ năm 1960 thành một trong những “con rồng” của Châu Á. Cuộc đời ông bắt đầu sự nghiệp từ một cửa hàng bán gạo. Và ông đã viết trong hồi ký của ông rằng: “Khi doanh nghiệp còn nhỏ thì tài sản thuộc về cá nhân, nhưng khi doanh nghiệp lớn lên thì tài sản ấy là của chung, của tất cả những người lao động, của toàn xã hội. Với tôi, chỉ cái cửa hàng gạo ngày xưa là tài sản mà tôi có”.

Nhân lễ Phật Đản năm nay, kể ra chuyện ở “mảnh đất” dưới chân chùa Phật Tích và vài tấm gương chia sẻ với cộng đồng của các doanh nhân để thấy rằng Phật luôn ở trong tâm mỗi người, cho dù những người đó đã dành cả cuộc đời lăn lộn trên thương trường để tìm kiếm tiền bạc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phật ở trong tâm mỗi người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.