Cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol) ngày 30/11 đã phát lệnh truy nã toàn cầu đối với nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange vì tình nghi cưỡng đoạt và quấy rối tình dục như lệnh truy nã của cảnh sát Thụy Điển.
Cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol) ngày 30/11 đã phát lệnh truy nã toàn cầu đối với nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange vì tình nghi cưỡng đoạt và quấy rối tình dục như lệnh truy nã của cảnh sát Thụy Điển.
Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange. (Nguồn: Reuters)
Phát biểu với báo giới, một phát ngôn viên của Interpol khẳng định cơ quan này đã đăng yêu cầu của cảnh sát Thụy Điển về việc trợ giúp bắt giữ Assange trên website của mình. Như vậy, dù bị bắt giữ ở đâu, Assange cũng sẽ bị di lý về Thụy Điển để thẩm tra và xét xử.
Cùng ngày, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết luật sư của các cơ quan chính phủ nước này đang nghiên cứu khả năng truy tố Assange theo Đạo luật về Gián điệp.
Theo quan chức trên, các cơ quan chức năng của Mỹ đang tìm cách xác định xem liệu Đạo luật về Gián điệp có thể áp dụng đối với trường hợp của Assange hay không cũng như khả năng áp dụng luật này đối với trang mạng WikiLeaks.
Trước đó, ngày 20/11, cảnh sát Thụy Điển đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Assange. Hồi tháng Tám, ông Assange, 39 tuổi, quốc tịch Australia, cũng đã bị thẩm vấn vì nghi ngờ phạm các tội quấy rối tình dục và ép buộc người khác một cách bất hợp pháp.
Liên quan đến việc hàng vạn điện tín mật được các nhà ngoại giao Mỹ ở khắp nơi trên thế giới gửi về Washington vừa bị trang mạng WikiLeaks tiết lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ngày 30/11 cho rằng sự việc này rõ ràng khiến chính quyền "lúng túng" nhưng nó sẽ chỉ gây tác động "khiêm tốn" tới chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hạn chế số nhân viên chính phủ có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu mật của cơ quan này nhằm phòng ngừa các vụ rò rỉ tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley, đây là biện pháp tạm thời nhằm khắc phục những điểm yếu trong hệ thống khiến các tài liệu mật của Mỹ liên tục bị phát tán.
Ngày 29/11, Chính quyền Tổng thống Barrack Obama đã yêu cầu các cơ quan chính phủ rà soát lại toàn bộ quy trình bảo quản thông tin mật, trong khi đó, Bộ Quốc phòng cũng cấm nhân viên lưu trữ tài liệu nhạy cảm trong các thiết bị có thể mang theo người.
Trong khi đó, cũng trong ngày 30/11, trang mạng WikiLeaks cho biết đã bị tin tặc tấn công bằng DDoS trước đó một ngày khiến người dùng tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác không thể truy cập trang mạng này. Đây là lần thứ hai trong vòng ba ngày WikiLeaks bị tấn công; lần thứ nhất vào ngày 28/11, trước khi WikiLeaks tung ra hơn 250.000 bức điện tín ngoại giao Mỹ.
Trong cả hai vụ tấn công, người sử dụng Internet tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác đã không thể truy cập trang mạng này trong nhiều giờ liền. WikiLeaks cho rằng họ đang là mục tiêu của một vụ tấn công lớn khác của tin tặc.
Trong những tháng gần đây, WikiLeaks - một trang mạng đóng tại Thụy Điển, chuyên đăng tải nội dung các thông tin rò rỉ từ những loại tài liệu chưa công bố nhưng vẫn giữ tính nặc danh của nguồn tin, đã ba lần tiết lộ tài liệu mật của Mỹ gây chấn động dư luận thế giới./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.