An toàn thực phẩm

Phát huy vai trò quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương

Quỳnh Dung 02/11/2024 - 08:27

Hiện các địa phương huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong quản lý an toàn thực phẩm. Các hội đoàn thể: Đoàn thanh niên, phụ nữ… tham gia rất tích cực. Nhiều mô hình sản xuất thực phẩm bảo đảm chất lượng được xây dựng tại cơ sở, tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

mot-tiet-muc-tai-hoi-thi-tim-hieu-kien-thuc-an-toan-thuc-pham-nam-2024-do-hoi-lien-hiep-phu-nu-thanh-pho-ha-noi-to-chuc.-anh-thao-huong.jpg
Một tiết mục tại hội thi “Tìm hiểu kiến thức an toàn thực phẩm” năm 2024 do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thảo Hương

Thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm

Thời gian qua, nhiều mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm được xây dựng tại cơ sở, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, tác động tích cực tới ý thức cộng đồng như: Mô hình “trồng rau sạch”, mô hình “gà sạch”, sản phẩm nhà làm, vận động 100% phụ nữ bán hàng ăn, nước giải khát ký cam kết an toàn thực phẩm…

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thị Thu cho biết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được hội rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Các cấp hội luôn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm sạch, bảo đảm tươi ngon, chủ động phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế ngộ độc thực phẩm trong kinh doanh, bảo đảm sức khỏe nhân dân và người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, hội đẩy mạnh công tác phối hợp hướng dẫn hội viên, phụ nữ cách sử dụng và chế biến thực phẩm an toàn, vận động hội viên, phụ nữ cam kết thực hiện “ba không”: Không sản xuất rau không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân nghiêm túc tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của gia đình hội viên, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Kim Dung, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ quận đã ra mắt và duy trì nâng cao chất lượng hoạt động 119 mô hình “Chi hội thay đổi hành vi an toàn thực phẩm”. Các mô hình này không chỉ tác động đến bản thân hội viên, phụ nữ mà còn tác động đến cộng đồng, góp phần tạo chuyển biến trong thực hành hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì Trần Thị Vân cho hay, thời gian qua, các cấp Mặt trận Tổ quốc huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật và trách nhiệm của công dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong bảo đảm an toàn thực phẩm; vận động, hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Ở khu dân cư, trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ dân phố, thôn tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn thực phẩm, vận động các hộ nông dân, cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; giám sát việc chấp hành quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã ký cam kết sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định; tham mưu tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm…

Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, thời gian tới, huyện huy động các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến hội viên kiến thức, pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ an toàn. Huyện yêu cầu các cấp hội, đoàn thể hướng dẫn, vận động hội viên tìm hiểu, truy cập, đăng ký sản phẩm trên cổng thông tin an toàn thực phẩm; huy động người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cộng đồng tham gia cập nhật thông tin về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển sản xuất thực phẩm sạch, nhận biết nguy cơ, đấu tranh sản xuất thực phẩm không an toàn… Các xã, thị trấn duy trì công khai, chỉ dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng nguồn thực phẩm an toàn.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, chính quyền địa phương cần thực hiện công khai đường dây nóng về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và phổ biến kiến thức về an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là chủ trương, chính sách và Luật An toàn thực phẩm; kiến thức thực hành đúng về an toàn thực phẩm trên các kênh thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp qua hình ảnh trực quan (tranh, ảnh, pano, băng rôn, tờ rơi…). Qua đó, chuyển tải thông điệp truyền thông đến chính quyền các cấp, cơ quan tham gia quản lý an toàn thực phẩm, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm; tăng cường thông tin, chỉ dẫn địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng, thông báo đến doanh nghiệp, trường học trên địa bàn để tổ chức và nhân dân tiếp cận, sử dụng nguồn thực phẩm an toàn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.